Trong hai phiên đấu giá ngày 30-9 và 1-10-2017 tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hongkong, hàng loạt tranh của các tác giả Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, từ thời Mỹ thuật Đông Dương cho tới đương đại sẽ được xướng danh. Nhiều nhất vẫn là tranh của Lê Phổ và giá khởi điểm cũng cao nhất (trong phạm vi tranh Việt và có liên quan đến hội họa Việt Nam). Tuy nhiên, một bức tranh Lê Phổ có giá khởi điểm cao nhất đang được “soi” và bị nghi là “hàng nhái”, thậm chí “hàng nhái kém chất lượng”.
Trong hai phiên đấu giá nêu trên, được đưa lên sàn nhiều nhất là tranh của Lê Phổ, kế đó là Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ, ngoài ra còn có các tên tuổi lớn thời Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Phạm Hậu và có cả tranh của họa sĩ người Pháp Joseph Inguimberty – người đã cùng Victor Tardieu sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – và tranh của nữ họa sĩ Alix Aymé – người từng giảng dạy về sơn mài tại trường. Với các họa sĩ đương đại, có tranh của Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm (đã mất), Phạm An Hải. Có thể nói chưa bao giờ tranh Việt lại xuất hiện nhiều như vậy tại một sàn đấu giá hàng đầu thế giới. Điều này phải chăng có nguyên nhân là thời gian gần đây nhiều tác giả của hội họa Việt Nam có tranh được bán với giá khá cao trong các phiên đấu giá quốc tế, chẳng hạn như bức Đời sống gia đình của danh họa Lê Phổ đã bán với giá (cả thuế và phí) hơn 1 triệu USD cũng tại nhà Sotheby’s hồi tháng Tư năm nay, lập kỷ lục giá tranh Việt cao nhất cho tới thời điểm này.
Thế nhưng một bức tranh ký tên Lê Phổ được Sotheby’s đưa ra đấu giá đang gây bão dư luận khi có thông tin cho rằng đó là tranh mạo danh nhà danh họa. Phạm Long, một nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam được biết đến nhiều thời gian qua đã khẳng định bức Gia đình của Lê Phổ không thể là tranh thật bởi nhiều lý do như được ông phân tích khá thấu tình đạt lý. Bức tranh nêu trên được nhà nghiên cứu Phạm Long mô tả chi tiết trong bài viết trên Facebook của ông, sau đó được đăng lại trên một số trang web về mỹ thuật: Sotheby’s bán tranh kinh dị đội lốt “Lê Phổ”? (Bàn về bức tranh “Người đàn bà có hai bàn tay trái”). Đó là bức tranh lụa khổ 63 x 46cm, sẽ được bán với mức giá dự kiến từ 1.500.000 đến 2.500.000 đôla Hongkong (HKD), tương đương 191.730-319.550 USD trong phiên đấu giá “Nghệ thuật hiện đại và đương đại” tại nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong ngày 30-9-2017.
Theo phân tích của Phạm Long, khi tìm hiểu kỹ về bức tranh này trên website của Sotheby’s, ông đã có một “phát hiện động trời” vì “bức tranh được-cho-là của Lê Phổ này hóa ra đã vẽ một người đàn bà có hai bàn tay trái. Thật hết sức kinh dị và quái đản!”. Cũng theo ông thì “Đấy mới chỉ là lỗi ngớ ngẩn về “giải phẫu cơ thể người” của kẻ chép tranh, từ đó phát lộ ra dấu vết của một bức tranh giả, chứ chưa bàn đến bút pháp non, bảng màu xấu của “nhà họa sĩ nhái tranh” trong bức này, khác xa với những bức tranh lụa diễm lệ mô tả tình mẫu tử và tình cảm gia đình trong hội họa Lê Phổ”. Và ông cho rằng chẳng lẽ “một trong những học trò ưu tú nhất của khóa 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương, người được cụ Victor Tardieu cưng chiều nhất và đặt hy vọng nhiều nhất, có vô tình mắc lỗi hình họa sơ đẳng như vậy không?” và theo như ông được biết “cụ Lê Phổ không vẽ tranh siêu thực bao giờ, nên không thể có hứng thú vẽ người “quái thai dị dạng”!
Chưa hết, nhà nghiên cứu còn cho biết các chuyên gia thẩm định nghệ thuật của Sotheby’s đã không những không phát hiện lỗi kỹ thuật sơ đẳng trong bức La Famille mà còn “viết say sưa” về tay phải – tay trái của nhân vật trong bức tranh, được in trong vựng tập đấu giá. Khi giới thiệu nguồn gốc bức tranh, vựng tập chỉ ghi mấy dòng: “từng được mua từ phòng tranh Galerie Romanet ở Paris, và về sau thuộc về một bộ sưu tập cá nhân tại châu Á”.
Nếu phát hiện và khẳng định của Phạm Long là hoàn toàn chính xác thì mỹ thuật Việt Nam đang đứng trước nguy cơ hàng giả, hàng nhái sẽ được công khai bán ở những sàn đấu giá lớn như Christie’s và Sotheby’s và có thể ở nhiều sàn đấu giá quốc tế khác nữa, khi mà tranh Việt đang được các nhà sưu tập trong và ngoài nước chú ý. Ông Phạm Long còn đưa ra cảnh báo: “Phải chăng đã và đang có một (hay vài) đường dây tội phạm nghệ thuật luồn sâu, cài người, ngày càng trắng trợn tuồn tranh rởm của các họa sĩ Việt thời “Mỹ thuật Đông Dương” (và cả đương đại) ra sàn Sotheby’s (và các sàn đấu giá quốc tế khác). Nếu có, thì kẻ nội gián, nằm vùng tiếp tay trong các phi vụ mua bán tranh rởm đó là ai?”. Và “Liệu có bọn tội phạm quốc tế nào đang âm mưu phá hoại uy tín và làm lung lay niềm tin của người chơi tranh nội địa và quốc tế đối với tranh Việt (thời Mỹ thuật Đông Dương và đương đại) thông qua các “chiến dịch” và “chiến thuật” trưng bày và bán tranh nhái/tranh giả?”.
Khi thông tin về các phiên đấu giá tranh Việt của Sotheby’s ngày 30-9 và 1-10, đã có những nhận định quá lời về giá tranh Việt so với mặt bằng giá tranh Đông Nam Á. Thật ra, dù tranh Lê Phổ hay của vài tác giả lớn thời Mỹ thuật Đông Dương có được nâng giá so với trước đây, nhưng vẫn thấp hơn những ngôi sao của hội họa Indonesia cùng thời như Hendra Gunawan và Affandi, hay Anita Magsaysay – Ho của Philippines. Đơn cử, trong hai phiên đấu giá nói trên, tác phẩm Người bán cá của Hendra Gunawan có giá ước tính lên đến 4.200.000-5.500.000 HKD, còn bức Phụ nữ thu hoạch trái cây của Anita Magsaysay – Ho có giá ước tính 5.000.000-7.000.000 HKD.
Thậm chí bức Bậc thầy già của họa sĩ đương đại Indonesia I Nyoman Masriadi (sinh năm 1973) đã có giá ước tính 1.600.000-2.600.000 HKD. Nên ngoài nỗi lo tranh giả, không nên quá lạc quan với giá tranh Việt hôm nay!
- Phạm Đán Bình