Bằng cách sử dụng công nghệ cao và với những ý niệm đương đại về tạo hình, các nghệ sĩ thị giác hôm nay đã làm mới và phong phú hóa tranh tĩnh vật truyền thống phương Tây. Tác phẩm của họ còn là lời cảnh báo về những hiểm họa, tai ương đối với cuộc sống của con người hiện đại. Tháng 10-2013, tại Bảo tàng Mỹ thuật Bass ở Miami (Florida, Mỹ), nghệ sĩ người Anh Mat Collishaw đã có một triển lãm cá nhân, giới thiệu với công chúng một xê-ri ảnh tĩnh vật có tên Bữa cuối của tử tù, thể hiện những bữa ăn cuối cùng theo yêu cầu của các tử tù ở bang Texas trước giờ thi hành án tử với họ, tựa của từng bức là tên của các tử tù: Garry Miller (thi hành án ngày 5-12-2000) là hình ảnh miếng bánh sandwich kẹp phó mát, mớ khoai tây chiên, hai quả trứng, hai cái bánh sữa…; Chester Wicker (thi hành án ngày 26-8-1986) là các loại rau xanh và cà chua chín; Martin Vega (thi hành án ngày 26-1-1999) là miếng bít-tết và con tôm hấp… Dù đối tượng được miêu tả là những món ăn, thức uống hằng ngày của con người song chúng thể hiện sự thối rữa, hủy hoại, hiện thân của cái chết đã gần kề. Năm 2011, khi bang Texas xóa bỏ án tử hình thì loạt ảnh Bữa cuối của tử tù mới được hoàn tất.
Dễ nhận ra Mat Collishaw đã phỏng theo phong cách tranh tĩnh vật Venitas của các bậc thầy Hà Lan thế kỷ XVI-XVII, theo đó trong tranh thường có hoa tươi, trái cây đã chín rục, thịt tươi sống, vỏ sò, xương người (đầu lâu), lông chim… và các đồ vật dị thường khác khiến người xem liên tưởng tới cái chết, hoặc gây nên nỗi xao xuyến trước cái chết cận kề. Với mô-típ tương tự, ảnh tĩnh vật thế kỷ XXI của Mat Collishaw cũng bày tỏ về nỗi bàng hoàng của con người hiện đại trước cái chết được báo trước. Cũng trong triển lãm nêu trên có loạt ảnh tĩnh vật khác của ông với những hoa hồng, hoa tuy-lip đang nở trong trạng thái thối rữa, bởi theo lời tác giả chúng được trồng trên đất đai bị nhiễm độc các chất phế thải.
Cùng với chiều hướng đó, qua các tác phẩm tĩnh vật đương đại, nhiều nghệ sĩ thị giác hôm nay thể hiện tâm cảm của mình trước hiểm họa ô nhiễm môi trường, nỗi lo sợ trước chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng phát triển dưới nhiều hình thái, về sự mong manh của cuộc sống trước bao mối đe dọa. Chính từ ý tưởng mà các họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật truyền thống đã diễn đạt từ nhiều thế kỷ trước – sự thối rữa đã tấn công cuộc sống ngay từ lúc nó đang trưởng thành – đã gợi ý cho các nghệ sĩ đương đại. Như xê-ri ảnh đen trắng có tên Limbus (tình trạng tạm thời của linh hồn của những người tốt đã chết nhưng chưa lên được thiên đường) của nữ nghệ sĩ Phần Lan Saara Ekström, được chụp theo kiểu ảnh pháp y với những bông hoa (cái đẹp) nằm rải rác trên mặt đất cùng với tóc người, cành và lá cây khô… là các yếu tố gắn liền với sự chết. Hay loạt ảnh khác của Saara Ekström có tên Sự sinh sản chụp những loại nấm được xếp đặt bên nhau, dù chúng đang sinh sôi nảy nở nhưng lại gây cảm giác ghê rợn về sự hủy diệt.
Nghệ sĩ người Do Thái Ori Gersht cũng rất nổi tiếng với ảnh tĩnh vật được lấy cảm hứng từ tranh tĩnh vật của các bậc thầy cổ điển: tác phẩm video art Quả lựu của ông “nhái” bức tranh tĩnh vật nổi tiếng của họa sĩ Tây Ban Nha Juan Sánchez Cotán (1560-1627) nhưng diễn đạt cái chết chầm chậm của quả lựu: nó chín rục từ từ và vỡ tan, tung tóe những hạt đỏ bên trong như máu người… “Đó là một tiến trình khi mà sự hủy diệt đang diễn ra và cũng là thời khắc của sáng tạo. Tôi nghĩ có một mối liên hệ giữa đặc trưng của tranh tĩnh vật với sự lưu giữ những gì phù du, sớm nở tối tàn”, Ori Gersht nói như vậy về tác phẩm của ông.
- Y Chiêu