Mở cửa đến hết ngày 19-1-2015, triển lãm “Tranh sơn mài và tranh lụa truyền thống” của hai họa sĩ Nguyễn Xuân Việt và Nguyễn Thị Bích Nga tại gallery Eight (số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) đưa người xem vào một không gian cổ điển và trầm mặc, khác với nhiều triển lãm có phần ngả về đương đại trước đây.
Hiếm khi xuất hiện trong các triển lãm và cũng ít được biết đến trong các sinh hoạt tạo hình tại TP. Hồ Chí Minh, song họa sĩ Nguyễn Xuân Việt được nhiều người trong giới mỹ thuật coi là “đệ tử chân truyền” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, là người gần gũi với bậc thầy lớn nhất của tranh sơn mài Việt Nam, đặc biệt là qua ấn phẩm có tựa Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo (NXB Văn học, 1998), ở đó người học trò đã ghi chép – từ năm 1975 đến năm 1992 – những lời vị lão sư trao truyền về tranh sơn mài nói riêng, về nghệ thuật nói chung và cả nghệ thuật sống và vẽ của ông.
Chính vì thế, cuộc triển lãm “Tranh sơn mài và tranh lụa truyền thống” là dịp để người xem tiếp cận với một mảng tranh sơn mài không mấy khi được trưng bày với số lượng nhiều như thế của Nguyễn Xuân Việt. Phần lớn các tác phẩm sơn mài tại phòng tranh này là đề tài truyền thống: là những kiến trúc cổ kính, những ngõ và phố Hà Nội (Tô Tịch, Mã Mây, Phất Lộc…) vốn rất quen thuộc trong hội họa Bùi Xuân Phái nay được tả thực với ít nhiều cách điệu bằng chất liệu sơn ta truyền thống; là phiên chợ quê nhộn nhịp, đông vui, đầy màu sắc, khiến người xem không khỏi liên tưởng ngay đến những vần thơ trong bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ; là những tĩnh vật hoa trái ngọt ngào và óng chuốt của son và then, quỳ vàng và vỏ trứng…; là mấy bức trừu tượng mà về hình và màu khá gần với những gì bậc thầy Nguyễn Gia Trí đã thể hiện trong tranh trừu tượng, đó là khi “họa sĩ vẽ như một tín đồ trong niềm say mê tôn giáo riêng, và cảm thấy ở đó sự giải tỏa thánh thiện cho những gì u ám; bức tranh có xu hướng trở nên trừu tượng khi ý tưởng ngày càng phiêu du vào chốn mơ mộng, ảo vọng, một cái gì rất xa xôi với đời sống hằng ngày” như lời giới thiệu của gallery Eight về Nguyễn Xuân Việt.
Sinh năm 1949 tại Nakhomphanom (Thái Lan), họa sĩ Nguyễn Xuân Việt tốt nghiệp Trường Mỹ thuật TP.HCM năm 1982.
“Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi. Vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bên ngoài của sự vật/ Sở dĩ sơn mài ngả về vàng son, vì sơn mài ngả về âm nhiều hơn, như các màu trong không gian đình chùa, cung điện/ Sơn mài càng vẽ càng “nghiện” mà mỗi ngày lại càng “nghiện” nặng hơn. Và điều ấy thì không có chất liệu nào có thể thay thế được/ Tranh sơn mài có kỹ thuật riêng.Vẽ sơn mài mà nhìn bằng thói quen của sơn dầu là không được/ Sơn mài Việt Nam là kỹ thuật mới mẻ. Nó có cách giải quyết riêng, cách vẽ riêng của sơn mài/ Một họa sĩ nếu không hiểu, không vẽ được sơn dầu, thì cũng không thể hiểu, không thể vẽ được sơn mài/ Vẽ sơn mài khó, nên phải tập cái khó. Người nghệ sĩ không được dễ dãi, nên gặp việc khó, càng tốt. Đó là cách thử thách ý chí của mình” (trích trong sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo)
- Như Hoa