Với tên gọi “Trật tự”, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ trẻ Lê Thúy được tổ chức tại Không gian Chula (số 6 đường Nhật Chiêu, Q. Tây Hồ, Hà Nội, từ 25-7 đến 25-8-2015).
Ra đời ở Thanh Hóa năm 1989, Lê Thúy tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có tranh dự triển lãm nhóm ở Hà Nội, song “Trật tự” mới là khúc dạo đầu được chờ đợi của nữ họa sĩ duyên dáng này, dù trước đây cô đã được chú ý với những tranh tự họa và những chân dung thiếu nữ yêu kiều trong trang phục nội y gợi cảm. Loạt tranh trong triển lãm lần này phần nhiều có khổ nhỏ, hầu hết là vẽ động vật: chim, cá, chó, mèo, heo…, mà theo tự bạch của tác giả thì cô đặt chúng trong trật tự về bố cục tranh để thể hiện sự day dứt của mình: “Tôi luôn có cảm giác hoài nghi về cuộc sống. Điều tôi đang thấy ở trước mắt có lẽ chỉ là bề nổi, cái tươi đẹp mà tôi đang cảm nhận phải chăng không thực sự là chính nó. Tất cả mọi vật dường như tuân theo một trật tự nhất định. Trật tự ấy được đề ra để kiểm soát, để sắp xếp theo một quy tắc nào đấy nhằm tạo ra một xã hội có tổ chức và kỷ luật”.
Những động vật mà Lê Thúy đưa vào tranh, theo cô “chúng sống theo trật tự của tự nhiên, theo bầy đàn, giống loài. Đôi khi có những cá thể tách biệt, nhưng không làm cho trật tự ấy giảm đi mà ngược lại càng trở nên khăng khít hơn. Cũng như trong xã hội con người cũng có những cá nhân muốn phản kháng, muốn thay đổi, nhưng những điều họ làm cũng là một phần tất yếu trong quy luật để tạo ra trật tự dù cái trật tự đó đôi khi làm kìm nén cảm xúc, kìm nén tự do và sự phát triển của con người”. Và Lê Thúy đặt những loài động vật ấy “trong bố cục trống, phẳng rộng lớn để thể hiện sự trống trải, phân vân. Thêm vào đó những màu vàng, bạc ánh kim – biểu hiện cho các giá trị vô hình xen kẽ trong bầy đàn thể hiện sự kết nối hữu hình giữa những cá thể với nhau, cũng giống như những giá trị tiền bạc và địa vị xã hội mà con người mong muốn”. Mặt khác, cái chết hay sự trói buộc cũng làm nữ họa sĩ “cảm thấy chông chênh, lạc lõng”, được cô biểu hiện “bằng các màu sắc đơn giản, nhạt nhòa” nhưng đầy “ám ảnh”.
Chắc tay về hình họa, Lê Thúy còn cho thấy cô làm chủ được kỹ thuật vẽ lụa truyền thống như cô bày tỏ: “Tôi rất yêu thích và sử dụng chất liệu lụa đặc trưng của phương Đông. Lụa mềm mại, nhưng lại có sự đan kết vô cùng chặt chẽ các sợi tơ với nhau, cũng giống như sự kết nối của những cá thể trong cộng đồng. Tôi khai thác sự trong suốt, xuyên thấu của lụa để tạo cảm giác khát khao bí ẩn và đầy day dứt… và đây là sự phản ánh nỗi ám ảnh của riêng tôi”.
Cần nói thêm về Không gian Chula hay Ngôi nhà Chula ở Hà Nội: “Chula” là từ cảm thán trong tiếng Tây Ban Nha khi gặp vẻ đẹp bất chợt hiện ra. Cũng vậy, ngôi nhà Chula hay ngôi nhà của thời trang Địa Trung Hải nổi bật giữa con phố thơ mộng ven hồ Tây nhờ những hình khối màu sắc rực rỡ và lạ mắt. Cái tên thân thiện Ngôi nhà Chula được giới nghệ sĩ trẻ Hà Nội gọi, bởi đây không chỉ là một địa chỉ thời trang và nghệ thuật đáng yêu mà còn là tổ ấm của đôi vợ chồng kiến trúc sư người Tây Ban Nha Diego Cortizas và Laura Fontan.
- Y Chiêu