Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức buộc tội một nhà tư bản tài chính Malaysia, người được cho là trong vòng thân cận với Thủ tướng Najib Razak, vì đã sử dụng tiền biển thủ từ một quỹ đầu tư rất lớn để mua nhiều tài sản, trong đó có tranh của nhà danh họa Pháp Claude Monet, người tiên phong của trào lưu Ấn tượng. Vụ việc trở nên phức tạp khi có một nhà buôn tranh tự nhận mình mới là sở hữu chủ đích thực một bức của Monet đang có nguy cơ bị chính phủ Mỹ tịch biên.
Từ tháng 7-2016, các ủy viên công tố Hoa Kỳ đã tìm cách tịch biên khối tài sản xấp xỉ 1 tỉ USD – trong đó có bốn bức tranh của Vincent van Gogh và Claude Monet – được cho là thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Low Taek Jho, thường được gọi là Jho Low. Theo các dữ liệu của tòa án, các điều tra viên thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tin rằng Jho Low đã mua các tác phẩm trên bằng tiền được cho là lấy từ Quỹ 1 Malaysia Development Bhd. (1MDB), một quỹ đầu tư của chính phủ Malaysia. Thế nhưng mới đây thôi, một nhà buôn tranh nổi tiếng cho biết một trong bốn bức tranh được tòa án Mỹ cho là thuộc sở hữu của Jho Low thật ra là tài sản của ông. David Nahmad, nhà buôn tranh có văn phòng giao dịch tại Monte Carlo (Pháp) nói rằng chính ông mới là chủ nhân đích thực bức Hoa súng và bóng cỏ dài trên hồ được Claude Monet vẽ trong những năm 1914-1917. Trong một bản khai báo có tuyên thệ gửi đến Tòa án California ngày 19-10-2016, David Nahmad khẳng định điều đó, và động thái này có thể sẽ ít nhiều gây khó cho việc tịch biên khối tài sản được cho là bất minh của nhà tư bản Jho Low vốn được coi là rất thân cận với Riza Aziz, con trai đời chồng trước của phu nhân Thủ tướng đương nhiệm Malaysia.
Trong bản khai báo nói trên, ông David Nahmad cho hay ông đã mua bức tranh của Monet với giá 13,6 triệu USD trong một phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s ở London vào tháng 2-2013: “Bức tranh chỉ có tôi là sở hữu chủ duy nhất kể từ ngày được tôi mua cho tới nay” – David Nahmad tuyên bố và cho biết ông đang cất giữ bức tranh tại Thụy Sĩ. Ngày 19-10-2016, phóng viên tờ Wall Street Journal đã gọi điện cho nhà buôn tranh khi ông đang dự một hội chợ nghệ thuật tại Paris nhưng David Nahmad từ chối không cho biết thêm chi tiết chung quanh vụ việc, dù có nói rằng ông đã gọi điện cho các giới chức có trách nhiệm ở Mỹ để khẳng định nỗ lực nhằm tịch thu bức tranh của Monet là “một sai lầm”. Luật sư của ông Nahmad tại New York là Aaron Richard Golub cũng từ chối bình luận, còn người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ là bà Erica Lacy cũng có thái độ tương tự trước một nghi án đang gây chấn động dư luận quốc tế.
Người đang ở trung tâm của cơn bão, ông Jho Low cũng không trả lời email của báo Wall Street Journal và cũng không công bố điều gì chung quanh xì-căng-đan rùm beng này. Vậy thì đâu là sự thật chung quanh sở hữu chủ của bức Hoa súng và bóng cỏ dài trên hồ? Song có thể ví von như phóng viên chuyên về mỹ thuật Kelly Crow của Wall Street Journal: “Bất kể số phận của bức tranh như thế nào, câu chuyện chung quanh vụ tranh cãi bức tranh của Monet cho thấy thế giới kinh doanh tác phẩm nghệ thuật cũng mờ mờ ảo ảo như bất kỳ bức hồ hoa súng nào của Monet”.
Trong hồ sơ của chính phủ Mỹ chung quanh khối tài sản được cho là bất minh của Jho Low được công bố hồi tháng 7-2016, có một chứng từ cho thấy vào đầu năm 2014 David Nahmad đã cố bán bức tranh Monet cho Jho Low, người khi đó đã mau chóng hòa nhập vào khung cảnh nghệ thuật quốc tế khi tham dự nhiều cuộc họp mặt của giới mua bán và sưu tập tranh và tung tiền ra mua các tác phẩm của Pablo Picasso cũng như của tài năng bạc mệnh Jean-Michel Basquiat. Theo chứng từ này, trong một email gửi cho David Nahmad ngày 19-4-2014, Jho Low chuyển 2,25 triệu USD tiền đặt cọc để mua bức Hoa súng và bóng cỏ dài trên hồ với giá 22,5 triệu USD cũng như mua một bức tranh khác cũng của Monet vẽ phong cảnh Venice. Email viết: “Tôi muốn được khẳng định rằng khoản tiền 2,5 triệu USD x 2 sẽ được Ngân hàng BSI Bank (ngân hàng ở Singapore có chi nhánh tại Thụy Sĩ – LTS) chuyển tới tài khoản của ông để mua hai bức tranh của Monet, và sau đó tiền mua tranh sẽ được chuyển tiếp cho ông”. Chứng từ này có trong các dữ liệu điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu điều tra cho biết khoản tiền 2,25 triệu USD đã được chuyển từ Ngân hàng BSI Bank vào tài khoản của David Nahmad bốn ngày sau khi Jho Low gửi email. Trong khi đó, bản khai báo của ông Nahmad gửi chính phủ Mỹ không thừa nhận đã có vụ chuyển tiền nói trên, và cũng không có chứng cứ nào khác của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Jho Low đã chuyển nốt khoản tiền mua hai bức tranh Monet. Song bản khai báo của David Nahmad cũng không đính kèm được hóa đơn cho thấy nhà Sotheby’s đã bán tranh cho ông, song có yếu tố quan trọng là những giao dịch thường xuyên mà các nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật như Nahmad thường làm là đặt giá và mua tranh cho khách hàng chính của họ. Trong trường hợp này, Jho Low là một khách hàng của Nahmad, người đã có kế hoạch sẽ phản ứng với việc tịch biên bức Hoa súng và bóng cỏ dài trên hồ trước ngày 7-11-2016 tới.
Xì-căng-đan chung quanh chủ nhân bức tranh Monet còn hứa hẹn nhiều tình tiết ly kỳ, giống như những câu chuyện về nhà đầu tư tài chính Jho Low. Được biết, không chỉ vung tiền mua các tác phẩm hội họa với giá hàng chục triệu USD (như bức Dustheads của Basquiat được Jho Low mua với giá kỷ lục là 48,8 triệu USD vào ngày 15-5-2013 tại nhà Christie’s ở New York), nhân vật đầy bí ẩn Jho Low còn từng mua – thông qua các quỹ đầu tư giấu mặt hay các công ty vỏ bọc – hàng loạt bất động sản cực kỳ xa hoa, đắt giá tại Mỹ, trong đó có một căn hộ penthouse tại Trung tâm Time Warner ở khu Manhattan, New York với giá 30,6 triệu USD; một biệt thự giá 17,5 triệu USD tại Beverly Hills, Los Angeles. Năm nay 35 tuổi, Jho Low còn được biết đến rộng rãi trong giới showbiz và diễn viên nổi tiếng của Hollywood; từng được mời dự sinh nhật của những tên tuổi như Britney Spears, Kanye West, Kim Kardashian, Leonardo DiCaprio, Tobey Maguire, Jamie Foxx, Robert De Niro…, cũng như có mối liên hệ thân thiết với Lindsay Lohan, Usher, Paris Hilton, David Katzenberg…