Từ một người bắt đầu tự học hội họa và vẽ tranh sau khi qua khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo ở tuổi hai mươi, nay Jonathan Yeo đã nổi tiếng thế giới với những bức tranh chân dung độc đáo, nhiều bức gây sốc, vẽ các diễn viên ngôi sao, người mẫu tên tuổi, các họa sĩ lừng danh và các nhà chính trị.
Ông còn có những tìm kiếm mới trong lĩnh vực hội họa. Chân dung cô bé Pakistan Malala Yousafzai – người đã bị bọn Taliban bắn vào đầu vì đấu tranh cho quyền được đi học của nữ giới tại quê hương cô – là tác phẩm mới nhất của họa sĩ người Anh Jonathan Yeo và đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng chân dung quốc gia Anh tại London kể từ ngày 11-9 vừa qua, bên cạnh nhiều gương mặt nổi tiếng khác của nước Anh cũng được Yeo khắc họa chân dung.
Sinh năm 1970, Jonathan Yeo là một trong những họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc nhất trong lịch sử hội họa vương quốc Anh. Là con trai của chính trị gia Timothy Stephen Kenneth Yeo (nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ trong Quốc hội Anh và từng là bộ trưởng trong nội các của cựu thủ tướng John Major), Jonathan Yeo đã thoát khỏi cái chết ở tuổi đôi mươi vì căn bệnh hiểm nghèo ung thư máu ác tính, không ngờ sau khi được chữa lành bệnh ông đã phát triển một năng lực hội họa khác thường dù chưa từng học vẽ bao giờ.
Những chân dung chính trị
Từ cuối những năm 1990, tên tuổi của Jonathan Yeo đã được công chúng Anh biết đến qua một loạt tác phẩm vẽ chân dung những nhân vật trong chính giới Anh như Tony Blair (cựu thủ tướng), David Cameron (thủ tướng đương nhiệm), William Hague (ngoại trưởng), Charles Kennedy (nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do)… và cả hoàng tử Philip. Anh còn vẽ nhiều chân dung chính khách nước ngoài nổi tiếng như bà Sarah Palin (thống đốc bang Alaska, Mỹ) nhưng gây chấn động là bức chân dung cựu tổng thống Mỹ George W Bush được trưng bày tại gallery Lazarides ở London vào năm 2007, sau đó được triển lãm tại New York, Los Angeles cùng với nhiều tác phẩm chân dung khác cũng do Jonathan Yeo vẽ. Số là anh được một công ty lớn của Mỹ đặt hàng vẽ chân dung ông Bush nhưng sau đó lại hủy hợp đồng, thế là Yeo quyết định thực hiện một chân dung ông Bush theo cách của mình: làm tranh giấy dán (collage) nhưng bằng giấy xé ra từ các tạp chí khiêu dâm!
Bức chân dung khác thường ấy trở nên lừng danh quốc tế và mở ra cho Jonathan Yeo một hướng sáng tác mới với tranh collage. Bằng cách đó, anh đã thực hiện một loạt chân dung những nhân vật đình đám trong làng giải trí, thể thao thế giới như ông chủ của tạp chí Playboy Hugh Heffner, người mẫu Paris Hilton, tay golf Tiger Woods…, các họa sĩ “quái chiêu” như Wyndham Lewis, Lucian Freud… và nhiều nhân vật đặc biệt khác. Từ năm 2008 đến năm 2010, với triển lãm có tên “Thời kỳ Xanh” được tổ chức lưu động ở nhiều thành phố lớn tại Mỹ và châu Âu, Jonathan Yeo đã trưng bày một loạt chân dung các nhân vật nêu trên cùng một số tranh khỏa thân collage.
Những phát kiến mới trong hội họa
Trong bộ sưu tập tranh chân dung của Jonathan Yeo còn có các ngôi sao điện ảnh như Nicole Kidman, Dennis Hopper, Kevin Spacey, Stephen Fry…, người mẫu Erin O’Connor (tranh vẽ cô đã được dùng làm poster quảng cáo cho Bảo tàng chân dung quốc gia Anh), đặc biệt nhất là bức chân dung nữ diễn viên “quậy” Sienna Miller trong trạng thái khỏa thân khi đang mang thai sắp đến ngày sinh, đã được giới thiệu với công chúng Đức trong cuộc triển lãm tác phẩm của Jonathan Yeo có tên “Dưới lớp da tôi” (Under my skin) ở Berlin vào tháng 11-2012. Tác phẩm này cũng gây sốc không kém bức ảnh do nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz chụp nữ diễn viên Demi Moore khỏa thân với bụng bầu trên bìa tạp chí Vanity Fair năm 1991. Jonathan Yeo cho biết: “Tôi vẽ bức chân dung này chỉ vài tuần trước khi Sienna Miller sinh bé Marlowe. Tôi muốn đưa ra một hình ảnh thu nhỏ về cơ thể con người trong một trạng thái đẹp tự nhiên nhất, nó tương phản hoàn toàn với những tác phẩm khác của tôi trong triển lãm này: vẽ những người trải qua phẫu thuật thẩm mỹ để có nhan sắc đẹp đẽ hơn”. Loạt tranh phẫu thuật ấy, thể hiện cái bên trong (dưới lớp da) của nhan sắc đó là những đau đớn mà người được phẫu thuật thẩm mỹ phải chịu đựng để có vẻ ngoài đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Đó cũng là một hướng đi mới về hình họa được Jonathan Yeo phát kiến.
Vừa qua, tập sách có tựa Nhiều gương mặt của Jonathan Yeo(Many faces of Jonathan Yeo) đã được xuất bản tại Anh, giới thiệu những tác phẩm chân dung xuất sắc của họa sĩ cũng như nhiều sáng tác khác, có những bức tranh lần đầu tiên được công bố, cho thấy tài năng đa dạng của ông. Hiện Jonathan Yeo sống và sáng tác tại London. Ông kết hôn với nhà báo Shebah Ronay và họ có hai cô con gái.
Malala Yousafzai (sinh ngày 12-7-1997) ở thung lũng Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, nơi Taliban từng cấm nữ giới đến trường học. Đầu năm 2009, mới 11 tuổi, Yousafzai đã thu hút sự chú ý của dư luận khi viết blog cho đài BBC kể chi tiết cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban và quan điểm của cô về xúc tiến giáo dục cho nữ giới. Mùa hè năm sau, khi quân đội Pakistan kiểm soát thung lũng Swat, báo New York Times đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc sống của Yousafzai. Từ đó, Yousafzai bắt đầu tham gia các chương trình truyền hình về giáo dục thiếu niên và lãnh đạo hội đồng trẻ em huyện Swat, được đề cử giải thưởng hòa bình trẻ em quốc tế mang tên Desmond Tutu và đã được trao giải hòa bình trẻ của Pakistan. Ngày 9-10-2012, hai sát thủ Taliban đã chặn xe buýt chở Malala đến trường, bắn vào đầu và cổ cô. Ngay sau đó cô được chuyển sang Anh để điều trị vết thương quá nặng.
Vụ ám sát đã biến Malala Yousafzai trở thành biểu tượng toàn cầu. Ngày 12-7-2013, khi nhận giải thưởng hòa bình tại Liên Hiệp Quốc, Malala Yusafsai trong trang phục màu hồng của cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, người bị ám sát năm 2007, đã có bài phát biểu xuất sắc được truyền trực tiếp toàn cầu.
Bức tranh chân dung Malala Yousafzai do Jonathan Yeo vẽ, sau khi được trưng bày đến hết tháng 2-2014 sẽ được đem đấu giá, số tiền thu được sẽ gửi vào Quỹ Malala hỗ trợ giáo dục nữ giới các nước đang phát triển.
- Đông Hà