Đây không phải là một scandal “nghe lén” theo kiểu Watergate vào những năm đầu thập niên 1970 dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, mà là chuyện khai thác những thông tin cá nhân được lưu giữ tại các hãng truyền thông quốc tế. Thông qua chương trình “Prism”, NSA đã tiếp cận trung tâm dữ liệu của chín hãng truyền thông lớn gồm: Google, Yahoo, Microsoft, Facebook, AOL, Apple, PalTalk, Skype và YouTube để tham khảo nội dung thư điện tử và các cuộc trò chuyện qua mạng (chat). Trong phạm vi nước Mỹ, một trong những phản ứng đầu tiên thuộc về Liên minh về các quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU) và Liên minh về các quyền tự do dân sự New York (NYCLU). Cả hai đang tiến hành các thủ tục để kiện chính quyền Obama trước các cơ quan pháp luật. Theo Brett Kaufman, thành viên Dự án An ninh Quốc gia thuộc ACLU, chương trình “Prism” của NSA là “sự xâm nhập vô lý vào đời sống riêng tư của người dân Mỹ đã được bảo vệ bởi Luật tu chính số 4”. Nhưng Kaufman cho rằng điều rắc rối là cả ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp Mỹ đều đồng thuận với các hoạt động của NSA.
Edward Snowden trở thành nhân vật trung tâm của giới truyền thông
Trong một chế độ dân chủ, quyền cho phép xâm nhập vào đời tư phải xuất phát từ chính người dân. Từ khái niệm này, một cuộc thăm dò vừa được Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington tiến hành cho thấy nhận thức của người dân Mỹ về sự giám sát của chính phủ không thay đổi nhiều kể từ những năm 2001 và 2006, với 56% người được thăm dò chấp nhận việc NSA kiểm soát các cuộc gọi điện thoại và 45% chấp nhận việc xâm nhập vào thư điện tử riêng tư. Tuy nhiên, cuộc thăm dò của viện Gallup tiến hành sau đó hai ngày (12-6) lại cho ra kết quả là 53% dân Mỹ không đồng ý với các hoạt động theo dõi của NSA. Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 12-6 vừa qua, trước câu hỏi liệu những việc làm vừa qua của NSA đã giúp ngăn ngừa được bao nhiêu cuộc tấn công khủng bố, giám đốc cơ quan này là tướng Keith Alexander cho biết các chương trình giám sát tối mật của Mỹ đã ngăn chặn “hàng chục” nguy cơ tấn công khủng bố trên đất Mỹ.
Về phần Liên Hiệp Quốc, báo cáo viên đặc biệt của tổ chức quốc tế này là ông Frank Larue cho rằng “việc giám sát, theo dõi mà NSA thực hiện là một vi phạm đối với quyền tự do diễn đạt được cộng đồng quốc tế đảm bảo” và việc làm của chính quyền Mỹ vi phạm quyền riêng tư và quyền tự do diễn đạt tư tưởng được đảm bảo bởi bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Thỏa ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà nước Mỹ đã chấp nhận và phê chuẩn. Mặt khác, không thể sử dụng “khái niệm mơ hồ về an ninh quốc gia” như một lý do để xâm phạm các quyền cơ bản trên của con người. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) chưa đưa ra phản đối gì, có lẽ do được hưởng lợi nhiều từ những hoạt động của NSA. Cuối tháng 6 này, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét mối tương quan giữa chính phủ Mỹ với ICCPR và làm rõ về chương trình giám sát của Mỹ.
Lê Nguyễn tổng hợp