Sau khi trạm thu phí cầu Đồng Nai đưa vào hoạt động gây kẹt xe hôm 8-4, nhiều doanh nghiệp vận tải than phiền tình trạng trạm thu phí mọc tràn lan, ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Chủ các nhà xe cho hay không tăng giá cước lợi nhuận sẽ giảm, còn tăng giá cước thì hành khách thiệt thòi.
Theo quy hoạch trong năm năm tới, nếu các dự án được thực hiện, hệ thống quốc lộ có 102 trạm thu phí do các dự án đường bộ được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) ngày càng nhiều.
Hiện nay “mạng nhện” trạm thu phí ở các tuyến đường nối TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước, Bình Dương – Đồng Nai trở thành nỗi lo của nhà xe, tài xế. Nhưng họ còn bị ám ảnh hơn khi ở không ít nơi trạm thu phí mọc lên, đường cứ xấu và giá vẫn tăng. Cụ thể tại Bình Phước, đoạn quốc lộ 13 chưa đầy 70km nhưng được “chẻ” tới hai dự án BOT: Tham Rớt (giáp Bình Dương) – Bình Long và An Lộc (Bình Long) – Chiu Riu (huyện Lộc Ninh).
Trong khi đó, dự án An Lộc – Chiu Riu đang thi công dang dở nhưng đã được Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho đặt trạm thu phí tại km 105+700 thuộc xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, cách trạm thu phí đã có tại km 90+300 của dự án Tham Rớt – Bình Long chưa đầy 30km. Không những vậy, sau khi dự án An Lộc – Chiu Riu hoàn thành, chủ đầu tư còn có thể được đặt thêm một trạm thu phí ở cuối dự án (dù dự án này chỉ dài hơn 32km).
Cũng tại Bình Phước, nếu như trước đây ôtô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn qua mỗi trạm thu phí của dự án quốc lộ 13 Chơn Thành – Bình Long chỉ phải đóng 10.000 đồng/trạm thì đầu năm 2015 đã tăng lên tới 20.000 đồng/trạm. Việc tăng giá được HĐND tỉnh Bình Phước ra nghị quyết.Không chỉ vậy, HĐND tỉnh Bình Phước cũng đã thông qua nghị quyết cho phép tăng phí dự án đường ĐT741 (Đồng Xoài – Phước Long).
Mức tăng phí của các dự án này đều từ 50%, cá biệt dự án quốc lộ 13 Chơn Thành – Bình Long tăng tới 100% trong lúc nhiều đoạn đường còn rất xấu. Cùng trên quốc lộ 13 nhưng mức thu phí của Bình Phước cao hơn dự án BOT thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (thu 15.000 đồng/trạm).
Từ năm 2010-2015 ngân sách các nguồn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng được 28 – 30% so với nhu cầu chung, trong khi đó, các nhà tài trợ giảm mức ưu đãi ODA cho giao thông để chuyển qua cho vay thương mại có lãi suất ưu đãi nhất định. Do nguồn tài trợ cho giao thông cũng đang giảm dần nên phải đẩy mạnh xã hội hóa và kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức BOT. Đó là lý do trạm thu phí mọc lên càng dày, không theo khoảng cách 70km/trạm trên một tuyến đường như quy định lâu nay.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)