Hơn chục năm qua, tại nhiều cuộc hội thảo, chúng ta thường nghe các chuyên gia về nông nghiệp tán dương một số loại trái cây được trồng tập trung trên nhiều vùng đất nước và cho rằng trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, cây ăn trái chẳng bao lâu nữa sẽ có một vị trí đáng kể, trên cả cây lúa truyền thống xưa nay.
Trong tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu lúa gạo, việc xuất khẩu trái cây lại được nói đến thường xuyên hơn như một giải pháp tìm đầu ra cho xuất khẩu nông sản.
Tín hiệu lạc quan
Thời gian gần đây, những thông tin thị trường đã củng cố thêm suy nghĩ lạc quan của nhiều người về chỗ đứng của trái cây Việt Nam, thậm chí có người cho rằng thời điểm trái cây “lên ngôi” đã đến gần.
Tại hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào trung tuần tháng 8 vừa qua, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thừa nhận ngành rau quả tuy ít được quan tâm đầu tư nhưng kết quả xuất khẩu lại liên tục tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Cụ thể, theo ông Doanh, nếu như năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD thì một năm sau đã đạt 1,47 tỉ USD và đến năm 2015 đạt 1,85 tỉ USD.
Riêng trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến hết tháng 7-2016, trị giá xuất khẩu rau quả đã đạt 1,37 tỉ USD và nhiều khả năng xuất khẩu trong cả năm 2016 sẽ đạt đến 2,5 tỉ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015.
Điều đáng nói là ngành lúa gạo, tính đến cuối tháng 7-2016, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đạt hơn 1,26 tỉ USD, thấp hơn lĩnh vực rau quả khoảng 110 triệu USD.
Căn cứ vào diễn biến kết quả như vậy, Bộ NN&PTNT dự báo nhiều khả năng xuất khẩu rau quả trong năm 2016 sẽ lần đầu tiên vượt qua lĩnh vực lúa gạo về giá trị.
Một thông tin lạc quan khác là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đề xuất xin ý kiến công chúng về việc sửa đổi các quy định cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Với động thái này, có thể khẳng định gần như chắc chắn đến cuối năm nay xoài tươi sẽ là loại trái cây thứ sáu của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Mỹ sau thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.
Hiện nay các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đã mở cửa với hàng loạt trái cây đặc sản Việt Nam. Thông tin từ Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật vừa cho biết sẽ mở cửa cho xoài cát của Việt Nam từ ngày 17-9. Đây là trái cây tươi thứ hai của nước ta được xuất khẩu vào thị trường cao cấp này sau trái thanh long.
Để xoài vào được thị trường Nhật, các cơ quan chức năng của Việt Nam mất năm năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận.
Không chỉ xoài mà hàng loạt trái cây Việt Nam khác như vải, vú sữa, thanh long, nhãn… cũng đã được xuất sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand; trong số đó có vải thiều mà trước đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì giờ đây đã chinh phục được cả những thị trường rất khắt khe như Mỹ, Canada, Pháp… Mới đây, hơn 30 tấn vải thiều của chúng ta đã được bán tại Úc và bước đầu nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Thực trạng và triển vọng
Diện tích cây ăn quả của Việt Nam hiện đạt 786 nghìn hécta, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, đạt 298 nghìn ha (chiếm 37,9% tổng diện tích cây ăn quả cả nước); vùng Đông Nam bộ đứng hàng thứ hai, với diện tích 187 nghìn ha (chiếm 23,8% tổng diện tích cây ăn quả cả nước).
Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả có tốc độ phát triển chậm (chỉ hơn 1% năm). Tuy nhiên, nhờ tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao… nên năng suất và sản lượng cây ăn quả tăng trưởng mạnh (3 – 4%/năm).
Các chủng loại trái cây được trồng khá tập trung ở các vùng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu:
– Vải thiều: vùng vải tập trung lớn nhất cả nước là Bắc Giang có diện tích 35,1 nghìn ha, sản lượng đạt 120,1 nghìn tấn. Tiếp theo là Hải Dương với diện tích 14 nghìn ha, sản lượng 36,4 nghìn tấn.
– Cam sành: được trồng tập trung ở ĐBSCL, với diện tích 28,7 nghìn ha, cho sản lượng trên 200 nghìn tấn. Trên vùng Trung du miền núi phía Bắc, cây cam sành được trồng khá tập trung ở tỉnh Hà Giang, tuy nhiên, sản lượng mới đạt gần 20 nghìn tấn.
– Chôm chôm: được trồng nhiều ở miền Đông Nam bộ, với diện tích 14,2 nghìn ha, sản lượng xấp xỉ 100 nghìn tấn.
– Thanh long: được trồng tập trung chủ yếu ở Bình Thuận diện tích khoảng 5 nghìn ha, sản lượng gần 90 nghìn tấn, chiếm 70% diện tích và 78,6% về sản lượng thanh long cả nước. Thanh long là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất so với các loại quả khác.
– Bưởi: có nhiều giống ngon được người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên chỉ bưởi Năm Roi là có sản lượng mang ý nghĩa hàng hóa lớn với tổng diện tích 9,2 nghìn ha phân bổ chính ở Vĩnh Long, tiếp theo là tỉnh Hậu Giang.
– Xoài: loại cây trồng có tỷ trọng diện tích lớn với nhiều giống có chất lượng cao và được trồng tập trung là xoài cát Hòa Lộc trồng dọc theo sông Tiền với diện tích 4,4 nghìn ha đạt sản lượng 22,6 nghìn tấn.
– Măng cụt: loại trái cây nhiệt đới rất ngon và bổ, được trồng chủ yếu ở ĐBSCL với tổng diện tích khoảng 4,9 nghìn ha, cho sản lượng khoảng 4,5 nghìn tấn, trong đó tỉnh Bến Tre có diện tích tập trung lớn nhất 4,2 nghìn ha, chiếm 76,8% diện tích cả nước. Đây là loại trái cây rất được giá trên thị trường.
– Dứa: là một trong ba loại cây ăn quả chủ đạo được khuyến khích đầu tư phát triển trong thời gian vừa qua nhằm phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, còn có một số loại cây ăn quả khác cũng có khả năng xuất khẩu tươi là sầu riêng cơm vàng hạt lép, vú sữa Lò Rèn, nhãn xuồng cơm vàng…, tuy nhiên, những loại này có diện tích và sản lượng còn khá ít ỏi, không đủ tiêu thụ nội địa và giá bán trong nước thậm chí còn cao hơn giá xuất khẩu.
Trong quy hoạch phát triển cây ăn trái, Bộ NN&PTNT chú trọng đến 12 loại chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung dự kiến đến năm 2020 là 257 nghìn ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở Nam bộ, trong đó vùng ĐBSCL hơn 185 nghìn ha, vùng Đông Nam bộ 72 nghìn ha. Xoài là loại cây có diện tích trồng tập trung lớn nhất với gần 46 nghìn ha, tiếp đó là nhãn 30 nghìn ha, chuối 29 nghìn ha, bưởi 28 nghìn ha, cam 26 nghìn ha, thanh long 25 nghìn ha, dứa 21 nghìn ha, chôm chôm 18 nghìn ha, sầu riêng 15 nghìn ha, mãng cầu 8.300ha, quýt 5.850ha và vú sữa 5.000ha…
Mở ra một triển vọng cho trái cây vào cuối thập niên này, Bộ NN&PTNT đặt ra hai mục tiêu: (1) Xây dựng ngành trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam bộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài và (2) Ít nhất 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP để có thể xuất khẩu.
Vượt qua rào cản
Để đạt mục tiêu này, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất (doanh nghiệp sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất.
Những con số dự báo trên không làm cho chúng ta yên lòng, bởi dù sao xuất khẩu trái cây cũng chỉ là bước đầu trong khi chưa xây dựng được thương hiệu để có thể đứng chân vào các thị trường nhiều cạnh tranh.
Để trái cây đến với người tiêu dùng không dễ. Chẳng hạn Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới. Mở cửa được thị trường Úc là một phép thử quan trọng cho trái cây xuất khẩu Việt Nam.
Thị trường Mỹ ngoài các quy định về an toàn thực phẩm còn chịu sự cạnh tranh của nhiều nước Caribe có cùng chủng loại trái cây vùng nhiệt đới như chúng ta. Các doanh nghiệp đều biết rằng trái nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bắt buộc phải sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của nước này, trong khi nông dân chúng ta lại sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện. Đó là chưa kể phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát Mỹ như xử lý chiếu xạ, phải có chứng nhận an toàn của Cục bảo vệ Thực vật Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã từng chỉ rõ 18 loài côn trùng có nguy cơ xâm nhập vào Mỹ trong các lô hàng xoài tươi xuất khẩu từ Việt Nam.
Bàn về giải pháp xuất khẩu trái cây ngon của Việt Nam, các nhà chuyên môn đều cho rằng cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, phải trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP. Mặt khác phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định.
Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ mới đạt 2,8%. Điều này cho thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng cho các nước có thế mạnh nông nghiệp. Nước ta nằm trong số những quốc gia có thể hưởng lợi từ xuất khẩu trái cây, nhất là với các hiệp định thương mại được ký kết gần đây cũng như trong tương lai.
- Lê Minh Trí