Mark Knopfler gầy dựng tên tuổi của mình với nhóm Dire Straits. Trong 15 năm, nhóm nhạc đến từ Anh quốc này bán được trên 120 triệu đĩa khắp thế giới và để lại những tác phẩm để đời như Money for Nothing(với câu mởđầu đình đám “I want my MTV”), Sultan of Swing, Brother in Arms… Sau khi nhóm tan rã vào năm 1995, Mark Knopfler có sự nghiệp solo hết sức phong phú với dự án riêng và những lần hợp tác với nhiều nghệ sĩ.
Giữa tháng Ba vừa rồi, album Tracker được phát hành. Đây là album solo thứ tám của Mark, chưa tính đến các đĩa nhạc phim. Trong 13 năm hoạt động, nhóm Dire Straits chỉ có sáu album. Đĩa nhạc được thai nghén từ sau khi Bob Dylan mời Mark lưu diễn chung, không chỉ một mà đến hai lần: ở châu Âu mùa thu 2011 và ở Bắc Mỹ năm 2012. Cả hai lần đầu chạm ngõ mãi từ năm 1979, khi Bob Dylan đến Los Angeles gặp Mark, lúc đó vừa cùng nhóm Dire Straits tung ra album đầu tay và đi lưu diễn để quảng bá. Năm 1983, Mark là người đồng sản xuất album Infidels cho Bob.
Tracker điểm lại những cột mốc đã qua trong cuộc sống. Qua các bài hát, Mark giống như một nhà văn viết những câu truyện ngắn kể lại những người đã gặp, những sự kiện đã qua, những cây viết, cả viết văn, viết nhạc, viết thơ đã từng ảnh hưởng đến mình.
Basil là một bản nhạc khá nổi bật của đĩa, nhắc đến nhà thơ Basil Bunting làm ở tòa soạn báo Evening Chronicle ở Newcastle.Năm 15 tuổi, Mark cũng làm việc ở đây ở vị trí một cậu bé sai vặt, chuyển bản thảo từ phòng này qua phòng khác.Nhìn từ xa xa, Basil là một kẻ cục cằn, khó tính, ăn mặc khác người, ít khi rời bàn làm việc. Mark nhận xét: “Basil hợp với việc làm thơ hơn là viết bài cho báo”. Một năm sau, năm 1965, Basil xuất bản bài thơ Briggflatts và trở thành một cột mốc trong làng thơ hiện đại.Đó là một hình ảnh mà Mark nhớ mãi vì Basil hoàn toàn khác biệt với anh lúc đó.Là một cậu bé 15 tuổi, anh có toàn bộ thế giới trước mặt để khám phá.Một cây bút nữa được Mark nhắc đến trong album là Beryl Bainbridge.Beryl là ca khúc gần với phong cách Dire Straits nhất, tiếng guitar trong trẻo, nhịp điệu chập chùng như thời Sultan of Swing, Walk of Life và kể về nữ nhà văn người Anh chuyên viết về giai cấp công nhân. Mark cảm thấy rất bất công cho Beryl khi được đề cử giải Booker Prize năm lần nhưng chưa một lần được lãnh giải.
Một nhân vật cũng được tôn vinh nhưng không được nhắc tên cụ thể là JJ Cale, nhạc sĩ có ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi khác (báo Nhân Dân cuối tháng từng đề cập đến album của Eric Clapton hát lại những sáng tác của JJ Cale và Mark Knopfler cũng xuất hiện trong hai bài hát). Bản Broken Bones, một điểm sáng khác của đĩa được thực hiện theo phong cách của JJ Cale “sử dụng amply nhỏ xíu, không có ban nhạc, cố ý tạo ra một bản nhạc giống như bản demo”. Ở bản Lights of Taormina có nhắc đến hình tượng Bob Dylan (But he’s been so long a wanderer. Another crowd can never mean a thing. He came, he saw, he conquered. Ten thousand voices roared in the arena. Now he’s sitting out in the night. Looking down upon the lights of Taormina – Từ lâu anh ấy đã là người lang bạc. Thêm một đám đông khán giả chẳng có ý nghĩa gì.Anh ấy đã đến, đã thấy và đã chinh phục. Mới đây hàng chục ngàn giọng hát còn hò reo trong điểm diễn còn giờ đây, anh ngồi trong đêm, nhìn xuống những ánh đèn ở Taormina) còn bài Silver Eagle thì nhắc đến hình tượng chiếc xe buýt lưu diễn màu bạc đặc trưng. Cả hai ca khúc này đều được viết khi trên đường đi tour với Bob Dylan.
Album là lúc để Mark tung tẩy những hoài niệm của mình. Hoài niệm không hẳn mang ý nghĩa buồn, tiếc nuối.Laughs and Jokes and Drinks and Smokes mở đầu với câu trống lấy nhịp như trong bài Take Five rồi tiếp đó là tiếng violon và sáo gỗ du dương đầy chất Celtic. Ca khúc hát về thời trẻ, khi túi luôn rỗng nhưng luôn tràn ngập những câu chuyện đùa và tiếng cười rôm rả: “Những ngày xưa cũ đó, tôi nghe rất nhiều nhạc từ Van Morrison, Bob Dylan. Giờ khi nghe lại, những bản nhạc này gợi lại hồi ức xưa, giống như ăn lại những món từng ăn hồi còn bé xíu.Đó là những tấm biển chỉ đường tuyệt diệu trong cuộc sống”.
Nhạc country là thể loại mà Mark rất thích từ khi rời Dire Straits. Anh từng lập ra nhóm The Notting Hillbillies hoặc cộng tác với Chet Atkins, Kris Kristofferson, Emmylou Harris… trong nhiều dự án khác nhau. Ở đĩa mới, Mighty Man là bản nhạc lóng lánh, kể về chủ đề quen thuộc của nhạc country: người lao động đã vất vả, cô độc trong công việc thế nào và đó mới chính là hình ảnh người mạnh mẽ đáng ngưỡng mộ. Kết lại đĩa, bài Wherever I Go được hát chung với Ruth Moody của nhóm Wailin’ Jennys là kiểu ballad thấm đẫm các câu nhạc từ saxophone, giống như lần hợp tác với Emmylou Harris.
Bạn sẽ khó bắt gặp Mark Knopfler trong ghế giám khảo cuộc thi tài năng nào đó trên truyền hình.Cũng khó bắt gặp tên anh trong những tít báo giật gân. Mark thường ẩn mình vào ca khúc, bất kể ở công đoạn nào để tạo ra được tác phẩm hay, trong phòng riêng ngồi sáng tác hay tại điểm tập nhạc, trong phòng thu hay ở hội trường biểu diễn.
Trí Quyền (DNSGCT)