Tụi nhỏ thích đứng chờ. Trong lúc đứng chờ thì nhìn. Trong lúc đứng nhìn thì thèm và trong lúc thèm có thể nhón tay lấy một cái bánh hay cái kẹo nào đó. Rồi bắt đầu suy nghĩ, mình có đủ tiền hay không nhưng mắt vẫn dán vào các món đồ trong quán. Quán không lớn nhưng tình yêu lớn. Quán dành cho trẻ con sao? Lúc nào cũng thấy trẻ con ở đây, lúc nào cũng thấy trẻ con lóc nhóc đứng và tính tiền. Trẻ con ham ăn sao? Trẻ con thích mấy quán đồ khô nho nhỏ như thích những gì ngọt ngào và tuyệt vời nhất.
Trong quán nhỏ có gì. Quán đồ khô, người bán hàng mua sẵn những thứ tưởng như nho nhỏ mà bất cứ lúc nào người ta cũng có thể thiếu. Tạp hóa này với người lớn là điểm đến gần nhà tiện lợi khi đi chợ vội vã, quên củ hành, quên trái ớt, quên bịch I-ốt. Nếu đột nhiên khách tới bất thình lình thì mẹ thường sai tụi nhỏ chạy qua quán mua vài quả trứng vịt đổ chả, cái bánh tráng nướng sẵn, miếng dưa hấu cắt sẵn.
Quán còn bán mấy thứ nhỏ xíu, bịch xà bông loại nhỏ, vài kí gạo bỏ bì, chai xì dầu, ớt tương. Nơi đây thường là chỗ mua hàng quen thuộc của đám sinh viên tiền chi tiêu chưa rủng rỉnh. Riêng với trẻ nhỏ là một thế giới của màu sắc tưởng như bất tận của bịch đồ chơi bằng dây thun hay mấy viên bi, hình dán ngộ nghĩnh, phồng tôm…
- Xem thêm: Nhớ thời ăn quà vặt
Quán đồ khô như khu vườn cổ tích thật sự. Nào là kẹo dẻo, kẹo ngọt, bánh mặn, trái chuối, trái mãng cầu, viên kẹo mút. Phần thưởng danh giá nhất của bọn trẻ con sau một trận chơi đùa là vài ngàn đồng lẻ, nếu được người lớn thưởng thêm sẽ ù chân té chạy ngay đến quán nhỏ mà chiêm ngưỡng, ngắm nghía những thức quà xanh đỏ cho đã mắt. Có đứa muốn mua mà không có tiền cứ đứng nhìn hoài, có đứa mua rồi về chia lại, mỗi đứa nhấm một miếng, miếng ăn chung khi ấy là một cảm giác thực sự ngọt ngào, đầy hí hửng.
Vậy mà có lúc không có tiền, đứng thòm thèm quá, bà chủ quán thương trẻ con kêu vô cho bì bánh cũng không dám nhận, về xin ba mẹ mấy lần. Ấy thế lại được cho tiền mua quà vặt. Trẻ con chẳng bao giờ sợ sún răng, trẻ con mê những sáng tạo là lạ in trên bao bì các món quà bánh kẹo. Cũng chẳng phải là quán lớn gì, chỉ là một gian nhà nhỏ, các loại hàng hóa treo trên cánh cửa gỗ, cả cửa sổ. Những bánh trái nhỏ đặt trên một vài cái mâm, kê ghế. Mà người bán cũng thật khéo sắp đặt. Món này để bên cạnh món kia, cứ hút mắt liên tục từ nơi này sang nơi khác.
Người bán hàng lớn tuổi, đã về hưu, hằng ngay vẫn đi giao nước cho khách, vậy mà vẫn làm bạn với trẻ con một cách rất kiên nhẫn, các khách hàng nhí rất khó tính trong việc lựa chọn, nhiều khi ít tiền mà mua muốn mua nhiều, nhiều khi cứ đứng nấn ná không chịu về, vì muốn nhìn cho đã mắt. Từng cái nhỏ lẻ ấy mà thành ra người bán đồ khô chuyên nghiệp, hỏi, muốn mua cái gì.
Bọn nhóc sẽ trả lời vừa trả lời vừa nhìn vừa chỉ trỏ, cái đây, cái đây, cái đây nữa. Những sự vật chưa được định danh, những đồng tiền lẻ đầu tiên cầm trên tay, bọn nhỏ sẽ được học cách sử dụng tiền của mình ngay từ hôm nay. Chúng vừa muốn tạo ra một trò chơi vừa ham thích mua bán, thích giao lưu bằng những câu hỏi – trả lời, thích lựa chọn đồ vật. Cái tính nũng nịu không thể hiện ở nơi này. Chúng thường chỉ có một lựa chọn mà thôi và phải thật nhanh để có được món đồ mình yêu thích.
Người bán hàng có còn trẻ tuổi đâu mà thấy lòng mình thanh xuân lại, trong khi chờ đợi một đứa nhỏ lựa chọn, người bán hàng nghĩ, rồi những đứa trẻ ấy cũng sẽ ngạc nhiên và mê thích nhiều hơn với cuộc sống, đâu chỉ dừng lại với những bịch bánh kẹo nhiều màu.
***
Trong khung nền xung quanh mọi thứ đều chưa đâu vào đâu, tôi đã có rất nhiều tấm hình chụp với nhà cũ. Đó là một cô bé với chiếc váy trắng. Xung quanh nào là xe, là đồ đạc. Nền đất xi măng ở nhà cũ, chưa lát gạch bông. Ở nơi đó những trò chơi trẻ con và cả những con búp bê được mặc váy. Nền cũ mát lạnh. Bức ảnh thôi thúc về một căn nhà xưa hiện lên trong kí ức thật đẹp. Lũ trẻ con ngày nào túm tụm bên nhau từng buổi sáng ở nhà tôi, rủ nhau tìm vào những trò chơi mới.
Mẹ thường phải đóng cửa đi chợ, để chúng tôi chơi với nhau trong nhà. Lúc này dường như chỉ một nền đất thôi cũng đã mang lại bao nhiêu điều kì diệu. Ở bậc cửa ấy chúng tôi đã ngóng ra sân có cây trứng cá và sân còn lởm chởm đất đá. Trong những trưa hè đã đẫy giấc, tỉnh dậy, uống một hớp nước mát rồi bắt đầu ra nhà sau lấy chiếc xe đạp nhỏ mà tập đạp. Bên lề nhà, cả bọn xúm nhau với một chiếc xe mini, bụi tít mù.
- Xem thêm: Ký ức sắn quê
Nhà cũ còn là cái cây. Thuở mới lớn lên nhìn những nhành cây trứng cá và những trái nhỏ ngon ngọt, lòng vô tình dậy sóng những yêu thương, thích cây thương hoa. Từ đó cứ nhìn đâu đó quanh quất, thấy cây nào nho nhỏ tôi liền mang vể trồng, mỗi chiều ngóng từ cửa sổ ra bao yêu dấu.
Không ai quên được những mùa mưa ở nhà cũ. Những mái tôn mục nát vì cái nắng hè đã mang tới cơn mưa với bao nhiêu là chỗ hổng. Và rồi xô chậu, và rồi những lần bão lớn, cúp điện cả nhà ngồi cùng nhau trên chiếc giường nhỏ, radio báo bão từng đợt, con cá mắm mặn ăn suốt mùa mưa.
Nhà cũ có nhiều phòng nhưng không liền mạch, nó cứ chắp nối dần qua năm tháng và ba mẹ tôi đã bao nhiêu lần sửa nhà. Mỗi lần sửa là một lần tôi được sống trong một cuộc phiêu lưu, bên nền nhà xi măng, những miếng lót chống trầy xước nền nhà, hoặc nép mình ở một góc nào đó. Tất cả đối với trẻ con luôn luôn là một sự biến đổi, một háo hức, một điều gì đấy hứa hẹn rất vui nhộn. Mặc dù qua những đợt sửa nhà, lòng đứa trẻ ngày ấy lại chứa bao trăn trở.
Tôi luyến tiếc những ô cửa sổ cũ, tôi thương nhớ những khoảng trời mộng nhỏ nhoi nắng gắt tràn vào mà vì hồi ấy chưa đủ điều kiện nên nhà cửa còn sơ sài, trống trải. Vậy mà tôi đều thương đều nhớ biết bao. Góc nhỏ nào tôi thường ngồi tựa lưng tranh thủ đọc sách sau bữa cơm trưa, góc nhỏ nào nhìn lên bầu trời tôi mường tượng ra những đám mây nhiều hình thù kì quái. Những lần chạy nhảy từ nhà trên xuống nhà dưới, tôi đều vô tư mà nghĩ rằng lâu lâu lại sửa nhà một lần thật là vui mà đứa trẻ ngày ấy đâu biết rằng dường như sau mỗi lần sang sửa, hơi thở của ba mẹ tôi cũng trĩu nặng suy nghĩ.
- Xem thêm: Hoài cảm
Tôi còn nhớ trước khi sửa căn nhà cũ nhiều năm gắn bó, tôi đã mượn điện thoại của ba để quay phim lại. Ô cửa tò vò làm tổ. Căn bếp cách nhà chính một khoảng chạy mưa rào. Và nắng tràn ngập. Căn nhà được làm nên từ những căn phòng lớn và cũng cất giấu tâm hồn từ những góc nho nhỏ thân quen. Có ai đó đã nói, vì một lần nhớ người mẹ đã mất nên đã trốn trong một góc thật kín trong căn nhà, trùm mền lại, đến khi cảm thấy thật an toàn rồi mới bắt đầu khóc.
Ai cũng có những góc để khóc một mình trong tuổi thơ đầy niềm vui nỗi buồn. Những nỗi niềm đó nếu có thể quay phim hay chụp ảnh được có lẽ người ta cũng sẽ không ngần ngại tốn kém để nhìn lại những tháng ngày trẻ dại của mình. Và bạn, có bao giờ sống lại quá nhiều điều từ một thời tuổi nhỏ trong căn nhà cũ nhiều yêu dấu qua một bức ảnh như của tôi không. Nhà cũ, chỉ cần gọi tên lên thôi là đã thấy thương rồi.