“Bây giờ sắn (củ mì) đắt như vàng. Thèm cũng chỉ dám mua ít củ ăn dè xẻn!”. Nghe đứa bạn kể nửa đùa nửa thật thấy mà thương. Tự dưng, tôi nhớ cái ngày xưa ghê gớm. Khi mà sắn dường như là thức ăn quen thuộc hàng ngày vào mỗi sáng sớm của cả nhà tôi.
Sắn quê tôi nhiều vô kể. Nhà nào cũng thấy trồng sắn. Hồi còn đi học ở quê, đám bạn tới nhà chơi, thấy sắn quanh nhà, quanh nương, đâu đâu cũng thấy sắn chúng nó ngạc nhiên lắm. Bảo trồng gì không trồng lại trồng sắn? Nhưng khổ nổi, chúng nó đâu biết được, vùng đất quê tôi chỉ ưa mỗi loại cây sắn. Cây sắn cho năng suất nhất nên người ta cứ thế trồng thôi. Đám học trò vùng đất sắn nhiều lúc cũng mặc cảm, khi mỗi ai đó nhắc đến quê mình. Bởi cây sắn được mặc định là cây quê nghèo. Chỉ nghèo người ta mới trồng sắn.
Sáng nào ngủ dậy, tôi cũng thấy mẹ nấu sẵn một nồi sắn bở tơi để trên bàn. Tự động vệ sinh cá nhân, rồi ngồi vào bàn lấy sắn ăn trước khi đi học. Trẻ con ở quê chẳng cần phải bố mẹ thúc giục, ăn cái nọ cái kia. Không ăn tự khắc biết mình sẽ đói. Nên sáng nào cũng phải tìm đồ ăn bỏ bụng. Có lần mẹ luộc nồi sắn ra nhưng vẫn còn nguyên, chẳng vơi lấy đi một củ. Trưa mẹ nhắc: “Sao không thấy đứa nào ăn? Chê sắn phải không?”.
- Xem thêm: Quà quê
Kỳ thực là ăn sắn luộc riết cũng chán, nên có lần tôi cũng lơ là. Bà chị gái tôi cũng y chang. Nói dối mẹ rằng trễ giờ đến lớp, vội quá không kịp ăn. Nhưng chẳng qua được con mắt của mẹ. Hôm đó, mẹ mắng cho hai chị em tôi một trận tơi bời. “Xưa bố mẹ chẳng có khoai, sắn mà ăn. Giờ có đồ ăn còn chê hả? Đừng có kiểu con nhà lính, tính nhà quan”. Từ đó, hai chị em tôi khiếp đến già. Chẳng dám chê đồ mẹ nấu nữa.
Mà buổi sáng không ăn sáng, trưa về đói bụng, cơm chưa kịp nấu nhón lấy một miếng săn ăn thấy ngon đã đời luôn. Sắn mẹ trồng thuộc vào dạng sắn ngon nhất. Mẹ nói đó là loại sắn tẻ. Chứ không như loại sắn cao sản dùng cho chăn nuôi. Sắn tẻ nhỏ củ, dài, thon, xơ ít và đặc biệt là bở tơi, trắng xóa. Ăn sắn tẻ không có cảm giác bị nghẹn ở cổ. Bùi bùi, thơm thơm, ngòn ngọt.
Nhắc tới sắn tôi lại nhớ hội chăn bò ngày xưa. Thời gian chăn bò rảnh rỗi. Sau nhà có cái đồi rất lớn, lùa hết đám trâu bò lên đó, cả đám con nít bắt đầu đi đào sắn nướng ăn. Vì sắn rất nhiều, nên lỡ chủ nhà không có nhà, nhổ một vài bụi cũng chẳng bị ai la mắng. Sắn nướng ăn lạ miệng. Cũng bở nhưng mùi vị quyện thêm mùi đất quê, mùi khói hăng hăng. Miệng đứa nào đứa nấy nhồm nhoàm ăn sắn, nhọ nồi dính đen thui, trông như chú hề phết sơn đen.
Nhìn vào chẳng thể nào nhịn được cười. Nhớ có lần vội vàng nhổ phải bụi sắn cao sản – sắn chuyên dùng cho chăn nuôi. Cả lũ ăn vào bị say sắn. Ðầu đau, bụng chướng, chân tay bải hoải vừa ngứa như kim châm lại tê như đã lìa khỏi cơ thể. Có đứa “miệng nôn trôn tháo”, mặt mày tái xanh, nhợt nhạt. Đến là khiếp sợ. Tôi tuy bị nhẹ hơn nhưng cơn say sắn năm nào khiến tôi ám ảnh. Mỗi lần ăn sắn phải hỏi rõ ràng nguồn gốc mới dám ăn chứ không ăn vội vàng như xưa nữa.
Ăn sắn mẹ nấu mới thương người trồng sắn nhường nào. Trồng sắn thì tốn công sức, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu, nhưng với sắc đất ấy không trồng sắn thì trồng gì? Công đoạn cực nhất có lẽ là việc thu hoạch sắn. Mặc dù đeo bao tay nhưng khi nhổ sắn phồng rộp cả tay. Thân hình mẹ tôi vốn gầy gò, mảnh khảnh. Cả tấm thân mẹ lúc thu hoạch sắn ướt đẫm mồ hôi. Xong lại đến công đoạn chở về, tách vỏ, xắt lát và phơi khô.
- Xem thêm: Cây chùm ruột trước sân nhà
Vèo cái mà đã gần 20 năm có lẻ. Chị em chúng tôi đã có những gia đình nhỏ, định cư trên phố. Hôm mẹ lên phố chơi, ra chợ mẹ mua mấy củ sắn về luộc ăn. Mẹ than, sắn gì mà đắt khủng khiếp. Tôi lại nhớ lời đứa bạn nói sắn khoai đắt như vàng. Ngồi ăn sắn với mẹ, ký ức ngày nào lại ùa về… Tôi thầm cảm ơn củ sắn nghèo khó xưa đã nuôi tôi lớn trưởng thành như ngày hôm nay.