Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài năm năm qua và dự kiến kết thúc vào ngày 31-7-2015 đã gặp trở ngại vào phút cuối cùng, Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia thành viên tạm ngừng thương thảo về những bất đồng còn tồn tại và trở về nước để tham vấn với lãnh đạo cấp cao hơn. Thời điểm diễn ra vòng đàm phán kế tiếp chưa được công bố.
Những vướng mắc còn lại là bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản liên quan tới nguyên tắc xuất xứ của sản phẩm xe hơi, bất đồng giữa Mỹ và một số nước như Úc, Chile về thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các dược phẩm mới, bất đồng giữa New Zealand và Canada về mở cửa thị trường sữa và các sản phẩm sữa và bế tắc trong các quy định về dược phẩm chế tạo từ tế bào gốc (biologic drug).
Trong kỳ họp cấp bộ trưởng cuối cùng, diễn ra suốt bốn ngày tại Hawaii (Mỹ) cuối tuần qua, các đoàn đàm phán, với khoảng 650 quan chức và chuyên gia, đại diện 12 nước thành viên, đã nỗ lực hết mức để thảo luận những vấn đề gai góc nói trên nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được khoảng cách còn lại.
Ngoài các phiên họp toàn thể, các đoàn thương thuyết cũng tổ chức nhiều cuộc thảo luận song phương để tháo gỡ những vướng mắc về một số ngành hàng, mặt hàng. Hoa Kỳ và Nhật Bản – chiếm khoảng 80% khối lượng thương mại của 12 nước thành viên TPP – đã có nhiều cuộc đàm phán song phương có kết quả liên quan tới việc mở cửa thị trường nông sản được bảo hộ chặt chẽ của Nhật Bản, nhưng không đồng thuận được về mặt hàng xe hơi.
Cũng có những tranh cãi về việc các loại thuốc mới sẽ được bảo vệ trong bao lâu. Một số công ty ở Hoa Kỳ muốn thời gian đó là 12 năm, trong khi một số đối tác thương mại cho rằng thời gian đó là quá lâu.
Ngoài những tranh cãi về nông sản và thuốc men, nhiều người chỉ trích TPP cho rằng hiệp định này không bảo vệ công nhân, nhân quyền và môi trường một cách thỏa đáng. Có thể lạc quan rằng năm năm sau các cuộc đàm phán thương mại, 29 chương quy tắc dày đặc sắp đi đến hồi kết, liên kết 12 nước từ Mỹ đến Việt Nam.
Một khu vực thương mại liên kết từ Mỹ đến Việt Nam nếu được hoàn thành, sẽ là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất từ trước tới nay, với các thành viên chiếm gần 40% kinh tế toàn cầu. Sau nhiều lần liên tiếp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đạt được các thỏa thuận toàn diện về thuế quan người ta kỳ vọng TPP thực sự có nhiều cơ hội thành công hơn trong vấn đề này.
Khó có thể đánh giá những lợi ích chính xác của TPP, nhất là vì các cuộc đàm phán vẫn còn tiếp diễn. Những người chỉ trích than vãn vì sự thiếu thông tin nhưng việc tiến hành đàm phán công khai chắc chắn sẽ phá hoại chúng. Các chính phủ sẽ có vài tháng để tiếp tục xem xét lại thỏa thuận trước khi quyết định có đồng ý hay không.
Nghiên cứu chính thức, do Viện Peterson về kinh tế quốc tế công bố, cho rằng TPP sẽ giúp nền kinh tế của 12 nước thành viên tăng thêm 285 tỉ USD vào năm 2025.
Như đã nói, TPP không hoàn toàn là cắt giảm thuế quan vốn thấp sau nhiều năm tự do hóa thương mại mà thay vào đó là đặt ra những quy tắc mới cho thương mại toàn cầu.
Các cuộc đàm phán TPP đã diễn ra từ năm 2010 và có thể sẽ có đột biến trong những tuần cuối cùng của năm 2015. Một số người cho rằng Canada có thể rời bỏ nhóm này nếu các nông dân ngành bơ sữa của nước này không được bảo vệ. Ở Mỹ, Quốc hội có thể nhấn chìm thỏa thuận này, dù những lợi ích cho các nông dân nuôi bò, nhà sản xuất xe hơi và các công ty dược có thể làm thay đổi cán cân theo hướng có lợi. Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối ở trong nước nếu nước này mở cửa thương mại nông nghiệp, không bảo vệ được nông dân.
“Ai đã từng tham gia đàm phán thương mại đều biết, những quyết định cuối cùng bao giờ cũng là những quyết định khó khăn nhất”, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói. “Chỉ còn vài vấn đề nhưng hết sức gay cấn”. Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb buồn bã: “Đáng buồn là, đàm phán đã hoàn tất được 98%, vấn đề còn lại phụ thuộc vào bốn “‘ông lớn” Mỹ, Canada, Nhật và Mexico”.
Việc không hoàn tất được đàm phán TPP vào ngày 31-7 đặt ra rủi ro cho Mỹ là hiệp định sẽ không được trình ra Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn trước khi nước Mỹ lao vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi chuyện tranh cử sẽ che phủ hết tất cả những quyết định đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.
Lê Quân tổng hợp (DNSGCT)