Có câu chuyện nhỏ sau.
Trong thành phố có một hàng mì quảng, bún riêu nổi tiếng đông khách bởi ngon, giá vừa phải, phù hợp với mức thu nhập của nhiều người, lại nằm trên trục đường giao thông thuận tiện. Ngồi chính là bà vợ, chạy vòng ngoài có ông chồng và cô con gái, thêm một người phụ việc rửa chén.
Việc ai người nấy đảm trách. Bà vợ là người múc chính, chủ yếu phục vụ khách ăn tại chỗ, cô con gái ngoài việc hỗ trợ mẹ như nhúng bánh, cho bún vào tô… còn làm bịch cho khách mang về. Ông chồng đi các bàn, hỏi khách ăn gì, xong truyền đạt lại bà vợ rồi mang dĩa rau ra cho khách.
Thỉnh thoảng khách gọi thêm rau, không thấy dĩa chanh, hũ mắm, lọ ớt tương… có ông chồng phục vụ. Việc ông còn có dọn dẹp lau bàn khách vừa ăn xong, mang tô ra đặt đúng nơi rửa, hướng dẫn khách dựng xe đúng chỗ…
- Xem thêm: Bảng xếp hạng lộn ngược
Nhịp nhàng, như dây chuyền sản xuất vậy mà thỉnh thoảng thấy ông chồng bị bà vợ la, thậm chí còn bị con gái cằn nhằn. Về vóc dáng, bà vợ mập mạp còn ông ốm nhom. Trông hình thức ông lép vế lắm! Bà vợ vẫn hay than ăn ít vẫn mập, giá được ốm như ông ấy cho nhanh nhẹn. Mỗi khi nghe vậy ông chồng lại nói, tôi không chê thì thôi chứ, còn than hoài!
Khách đông, nhiều khi ông chồng không nhớ hết các yêu cầu của khách, nên truyền đạt sai, bà vợ làm lẫn lộn mang ra khách không chịu, phải đổi. Những lần như vậy thể nào bà cũng la ông, không chịu nhớ gì hết, người ta kêu này mà nói làm kia…
Hôm nào vui thì ông bỏ qua, lẳng lặng dọn dẹp, phục vụ. Hôm nào buồn ông đổ quạu, có hôm bực quá ông bỏ đi qua quán cà phê đối diện. Khách đang đông, không có ông, bà vợ và cô con gái cứ là “bấn xúc xích”. Cuối cùng, bà vợ phải nói cô rửa chén đi kêu ông về.
Những lần như thế không nhiều, bởi ông có trách nhiệm nên thường bỏ qua, mang tiếng nhịn vợ cũng không sao. Thành thử nhiều lúc khách hàng thấy ông “yếu thế” lắm, có người còn chê đàn ông mà bị vợ ăn hiếp!
Đang làm ăn ngon lành, chủ nhà đòi lại mặt bằng. Một bạn hàng quen mách nước có chỗ cho thuê, mặt bằng rộng, tại địa chỉ đó… tới coi ngay kẻo người khác thuê mất. Nghe bà vợ trả lời: “Để chiều ông chồng em đi coi.
Mấy chuyện này phải ổng quyết. Ổng còn tính toán phải sửa chữa mặt bằng ra sao, sắp xếp thế nào. Em chỉ biết bán thôi”. Nghĩa là, dù bà có ngồi vị trí chỉ huy và “quyền uy” buôn bán tiền bạc đến đâu, thì những chuyện lớn đều phải hỏi ý ông, thậm chí phải chờ ông quyết định.
Khi ông chồng đến hỏi thuê nhà, tiếp ông là bà “chủ hộ”. Giá cả đồng ý xong xuôi, nhưng bà này lại nói: “Chờ hai ngày nữa ông chồng đi công tác về tôi hỏi ý kiến ổng. Phải ổng quyết chứ mình tôi không dám quyết”. Mới thấy, dù có đứng tên chủ hộ, bà này cũng phải chờ ông chồng về thống nhất ý kiến.
Cái khéo của các bà vợ là đây. Các bà dư biết, mình bà quyết định cũng được, vì đã tính toán, cân đối rồi, nhưng vẫn phải hỏi chồng mà bà biết chắc là ông chồng cũng đồng ý. Ngoài ý nghĩa tôn trọng chồng, còn là tôn ti trật tự trong gia đình.
- Xem thêm: Con người văn minh
Thêm nữa con cái thấy vậy cũng phải biết tôn kính cha. Có thể cha không làm ra tiền nhiều, không có vị trí xã hội bằng mẹ, nhưng cha là cha. Nhà phải có nóc, cái cột chính vẫn là cột trụ. Cha không nghiêm túc, ăn chơi, bài bạc, có nhân tình… Bất hạnh, nhà dột từ nóc!
Tôn ti trật tự từ gia đình mang ý nghĩa rộng ra ngoài xã hội. Phải có trên có dưới mới làm nên xã hội không nhiễu nhương. Mà, trên bảo dưới không nghe là chuyện hằng ngày hiện nay, thậm chí người ta cho là bình thường!
Như vậy, không cần những khẩu hiệu đao to búa lớn làm gì, mỗi người phải biết vị trí của mình. Kính trên nhường dưới là căn bản của môi trường văn minh. Mỗi người một chút làm nên sự ngăn nắp, trật tự trong gia đình ra ngoài xã hội!