Tuần qua được mô tả là thời gian sôi động đối với Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa EU với Canada (CETA). Hôm cuối tuần, hàng ngàn người biểu tình trước trụ sở khu hành chính EU ở thủ đô Brussels của Bỉ để yêu cầu EU ngừng đàm phán hiệp định này. Cuộc biểu tình do các tổ chức công đoàn và các hiệp hội như Liên đoàn Quyền con người, tổ chức Hòa bình xanh, Liên đoàn Sinh viên Pháp ngữ, Hội đoàn Nông dân… phát động. Nhiều đảng chính trị như đảng Lao động, đảng Xanh, đảng Xã hội, đảng Pháp ngữ… cũng có mặt trong cuộc biểu tình.
Trong khi đó thì châu Âu muốn bằng mọi cách ký kết CETA với Canada. Đó là quan điểm của tất cả lãnh đạo châu Âu, từ Tổng thống Pháp François Hollande, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel, đến Thủ tướng Bỉ Charles Michel.
Trong thông điệp mới đây tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch EU Junker đã kêu gọi các nước thành viên thông qua nhanh nhất CETA với Canada. Ông bày tỏ quan điểm: “Đây là một hiệp định hoàn hảo, người Canada muốn ký kết với chúng ta trước người Mỹ. Để có thể tiếp cận thị trường EU, họ đã nhượng bộ chúng ta nhiều điểm và mở rộng thị trường Canada. Người Mỹ muốn CETA thất bại vì e ngại các quy tắc mà EU đặt ra cho Canada, những quy tắc này rất gần với các giá trị của chúng ta và tuân theo những tiêu chuẩn rất cao”.
Riêng tại Vương quốc Bỉ thì tất cả các thực thể thuộc liên bang đều có tiếng nói quyết định trước khi một hiệp định đi đến ký kết. Quốc hội các vùng nói tiếng Pháp, chẳng hạn như quốc hội vùng Wallonie đã yêu cầu chính phủ tạm dừng, ít nhất là cho đến khi Tòa án Tư pháp của EU đưa ra kết luận về tính tương thích giữa thỏa thuận thương lượng với Ottawa và các hiệp ước của châu Âu. Do vậy cho đến nay Chính phủ Liên bang Bỉ vẫn chưa có toàn quyền để ký kết vào cuối tháng 10 tới đây.
Không phải chỉ duy nhất Bỉ bị mắc kẹt. Hồi giữa tháng 9, nước Áo đã bày tỏ ý kiến bảo lưu. Còn Slovenia và Hungary thì vẫn đang chờ kết quả tranh luận của quốc hội mỗi nước. Đức cũng kêu gọi mở một cuộc thảo luận chính thức cấp bộ trưởng trước khi đi đến kết luận cuối cùng. Hơn nữa, hiện đang nổi lên mối quan ngại về tác động của Brexit do các thỏa thuận thương lượng giữa EU với Canada trước đây bao gồm cả Vương quốc Anh. Chưa biết mọi sự sẽ ra sao khi tới đây Anh sẽ bắt đầu khởi động thủ tục pháp lý để rời khỏi EU.
Về phía Canada, tổ chức công đoàn nước này cũng phản đối mạnh mẽ CETA. Cuối tuần qua, Công đoàn Canada đã kêu gọi chính phủ không phê chuẩn vì cho rằng hiệp định này đe dọa nền dịch vụ công, hệ thống y tế của đất nước và có khả năng lấy đi việc làm của người dân.
Do vậy có thể Hội nghị Thượng đỉnh EU – Canada sẽ không diễn ra vào tháng 10 tới. Đây hoàn toàn không phải chuyện viễn vông, vì trước đây Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA) đã từng bị đổ vỡ ngay ở giai đoạn cuối, do Nghị viện châu Âu kiên quyết phản đối ký kết.
Hiện cả EU và Canada đều đang chuẩn bị để làm rõ các thỏa thuận pháp lý của CETA, nhưng không tiến hành đàm phán lại. Mới đây, Tổng giám đốc Thương mại của EU, ông Jean-Luc Demarty, đã nhấn mạnh: “Nếu CETA không được ký kết thì đó là sự kết thúc của chính sách thương mại châu Âu”.
V.Đ (DNSGCT)