Năm năm trở lại đây, việc khai thác lĩnh vực hàng không chung (General aviation) phục vụ cho du lịch bắt đầu được đặt nền móng ở Việt Nam.
Tuy nhu cầu và tiềm năng của mảng kinh doanh này khá lớn nhưng các doanh nghiệp đi tiên phong trong hàng không chung đều gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu, một phần là do thiếu quy hoạch ngành và khung hành lang pháp lý chưa sẵn sàng. Khoảng một năm qua, cùng với mức tăng trưởng tốt của ngành du lịch, hàng không chung phục vụ ngành công nghiệp không khói mới bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo quy định hiện hành, hàng không chung là hoạt động sử dụng phương tiện bay để thực hiện chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ. Trên thế giới, ngành hàng không chung với các phương tiện bay như trực thăng, thủy phi cơ, khinh khí cầu đã có mặt từ lâu. Mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của du lịch cao cấp, các tour tham quan bằng trực thăng, thủy phi cơ, khinh khí cầu cũng đã xuất hiện ở một số điểm đến tại Việt Nam.
Vừa qua, ông Trần Trọng Kiên – Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu cho hay kể từ ngày chuyến bay thủy phi cơ đầu tiên cất cánh vào tháng 9-2014, đến tháng 1-2017 hãng bay thủy phi cơ Hải Âu mới bắt đầu có lãi. “Nếu nói về tài chính thì đúng là Hàng không Hải Âu không thực sự thành công vì đầu tư vài trăm tỉ đồng mà sau hai năm rưỡi chúng tôi mới bắt đầu có lãi. Trước đó, Hải Âu dự kiến đạt điểm hòa vốn sau một năm” – ông Trọng Kiên cho hay. Hiện giá bay ngắm cảnh của dịch vụ này đã hạ từ 5 triệu xuống 2 triệu đồng/khách/chuyến để thu hút thêm khách.
Bốn tháng trước, thành phố Phan Thiết cũng chứng kiến sự ra mắt của VietnamBalloons – công ty cung cấp dịch vụ khinh khí cầu phục vụ du lịch. Bên cạnh chi phí mua và bảo trì khinh khí cầu rất tốn kém, để VietnamBalloons đi vào hoạt động, Tomas Valiukas – giám đốc công ty trên đã mất hai năm khảo sát địa hình, khí hậu… toàn Việt Nam. Có thể nói đầu tư vào các phương tiện bay là hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro. Mấy năm trước, chiếc khinh khí cầu trị giá hơn 30 tỉ đồng của Công ty cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang đặt tại bờ biển Nha Trang đã bị vỡ toang khi gặp mưa dông. Việc tu sửa lại khinh khí cầu phải thực hiện tại nơi sản xuất ở Pháp rất tốn kém.
Với việc kinh doanh của hãng thủy phi cơ Hải Âu, do thiếu vắng các quy định pháp luật, chiếc thủy phi cơ có trọng tải chỉ 4 tấn, với 12 hành khách bay liên tỉnh phải áp dụng các quy định của tàu bay thương mại hàng trăm tấn, vận chuyển hàng trăm khách bay xuyên lục địa. Khi đáp trên mặt nước, một lần nữa Hải Âu gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách áp dụng các quy định về đường thủy nội địa cho thủy phi cơ. Để được cấp phép bay những đường bay mới, hãng phải đi và thuyết phục từng đơn vị từ trung ương đến địa phương để tìm kiếm sự hiểu biết chung về loại hình khai thác này. Khi bay trên trời thủy phi cơ cũng phải bay theo các đường bay thiết kế cho tàu bay thương mại có tốc độ nhanh hơn gần chục lần. Tại các sân bay, quy trình phục vụ 12 hành khách không có hành lý ký gửi của Hải Âu cũng giống với quy trình phục vụ của các tàu bay thương mại cỡ lớn. Những bất cập như thế khiến những chuyến bay taxi tốn kém về thời gian, chi phí khai thác.
Xét về nhu cầu thị trường, tuy giá các dịch vụ này khá cao nhưng các hãng lữ hành quốc tế đều cho rằng sản phẩm không khó bán, và muốn phát triển mảng du lịch cao cấp thì không thể thiếu loại hình trên. Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết: “Để phát triển du lịch, Việt Nam cần thêm các dịch vụ cao cấp như thủy phi cơ, trực thăng, khinh khí cầu… tại các địa phương đang thu hút đông khách du lịch, đặc biệt là khu vực từ Khánh Hòa đến Quảng Bình”. Doanh nghiệp này cũng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ các nhà cung ứng dịch vụ trên bằng chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay… đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và đa dạng của khách du lịch.