Chùa Hoằng Phúc thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, nằm cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách Quốc lộ 1A 3km. Chùa Hoằng Phúc được xem là ngôi chùa cổ nhất miền Trung, Việt Nam, có niên đại trước cả chùa Thiên Mụ – Huế. Tính đến nay chùa đã có niên đại hơn 700 năm.
Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa được khởi dựng từ đời nào, vào đời Trần hay đời Lê, hiện chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nguồn sử liệu nào xác nhận rõ, nhưng chắc chắn là có trước năm 1553, khi Dương Văn An soạn sách Ô Châu cận lục. Trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An ghi: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi Tăng giới) và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 13, mục chùa quán tỉnh Quảng Bình, cũng ghi về chùa Hoằng Phúc như sau: “Xét Ô Châu cận lục nói: Chùa Kính Thiên ở huyện Lệ Thủy, gần trạm Bình Giang, nước biếc vòng quanh, núi xanh bao bọc, thực là cảnh chùa lớn trong phủ Tân Bình, chùa có quả chuông lớn nặng nghìn cân, trước có đặt tăng quan và sái phu phụng sự, sau bị bỏ hư, chỉ còn nền cũ”.
- Xem thêm: Chùa làng quê
Chùa Hoằng Phúc vốn bắt nguồn từ am thờ Phật mang tên Tri Kiến am. Am này ở trong địa phận Tri Kiến nên mang tên này. Theo sử cũ chép lại, tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du ghé qua chùa Am Tri Kiến, sau đó ngài đổi tên thành Am Kính Thiên. Năm 1609, trên đường đi qua đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đã đến nghỉ tại Am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ và đặt tên là Kính Thiên. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 22, ghi như sau: “Kỷ Dậu, năm thứ 52 (1609) dựng chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình”.
Sau khi xây dựng lại, chùa Hoằng Phúc được các chúa Nguyễn quan tâm và đặc biệt chú ý. Tháng 8 mùa thu, năm Bính Thân (1716), chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, bèn cho cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một hoành biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa.
Năm Tân Sửu (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc tự” (chùa phúc lớn). Đến năm Quý Mùi (1823), vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho sửa lại chùa. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 21, mặt khắc 16, ghi về việc này như sau: “Sửa chữa chùa Kính Thiên ở Quảng Bình. Chùa ở phường Thuận Trạch, do Thái tổ Gia dụ hoàng đế dựng. Trong loạn Tây Sơn chùa bỏ nát lâu. Đến nay dân xin nhờ lính quê ở phường hợp sức sửa sang. Vua y cho. Ban cho 100 lạng bạc”.
Riêng vua Thiệu Trị, vào năm Nhâm Dần (1842), nhân chuyến ngự giá Bắc tuần, khi đi qua tỉnh Quảng Bình, Hiến tổ Chương hoàng đế đã ghé đến thăm chùa Hoằng Phúc và ban cấp tiền. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 15, mặt khắc 21, có ghi rằng: “Qua chùa Hoằng Phúc (chùa ở hạt huyện Lệ Thuỷ, phủ Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình, khi xưa Thái tổ Gia Dụ hoàng đế xây dựng, nguyên đặt tên là chùa Kính Thiên. Đến nửa chừng, bị hoả tai, Hiếu Minh hoàng đế sửa dựng lại, thân làm ra câu đối. Năm Minh Mệnh thứ 2, Thánh tổ Nhân hoàng đế ra Bắc, tới thăm chùa, cho tên là chùa Hoằng Phúc). Vua dụ rằng: “Chùa này do Liệt thánh đời trước dựng lên, nét chữ của tiên thánh còn chói lọi lưu mãi tại ngôi chùa. Trong năm Minh Mệnh, thưởng cấp bạc lạng, đặt cho tên hay, thực là một thắng tích về cảnh Phật. Nay qua đất này, truy nghĩ đến việc hay đời trước, cấp cho tiền 300 quan”.
Đứng trước cảnh đẹp nên thơ của chùa, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã tức cảnh và ngự chế một bài thơ rất hay về chùa Hoằng Phúc. Mộc bản sách Ngự chế Bắc tuần thi tập, quyển 1, mặt khắc 20, 21, ghi về thơ như sau:
Phiên âm:
Thanh tịnh hư vô diệu mạc cùng,
Hà quan hiển hối sắc quy không.
Khuê quang chiếu diện trùng tâm hoán,
Bửu lạc từ bi đại khoách sung.
Vạn hóa đào nguyên hoàng giác diệu,
Thiên thu kim bích quốc ân hồng.
Nguyện hoằng phúc quả chúng sanh toại,
Phật nhật tăng huy để đạo long.
Dịch nghĩa:
Thanh tịnh hư vô diệu chẳng cùng,
Nệ gì sáng tối sắc là không.
Tượng vàng chói lọi ngôi khuê tỏ,
Áo ngọc nghiêm trang vẻ “lạc lòng”.
Muôn hóa cành đào kinh lẫn kệ,
Nghìn thu ơn nước khánh và chuông.
Mong đầy quả phúc muôn loài thỏa,
Phật nhật thêm ngời, để đạo hưng.
Như vậy, tính từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé vào am Tri Kiến, đến nay, chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm.
- Xem thêm: Chùa Đậu và những pho ‘tượng táng’
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dưới sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, chùa Hoằng Phúc đã bị tàn phá nghiêm trọng. Sau đó, chùa Hoằng Phúc đã được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần) gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa và chính thức khánh hạ vào năm 2016.
Đến nay, chùa Hoằng Phúc vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật như tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15m, đường kính thân chuông 0,57m, chu vi 1,45m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam quan, nền nhà Chính điện.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tháng 12 năm 2015, chùa Hoằng Phúc đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lệ Thủy nói riêng cũng như tỉnh Quảng Bình nói chung.