Nhằm giải quyết phần nào thực trạng trên, thời gian qua có hai luồng quan điểm khá trái ngược. Một cho rằng với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp bất động sản như vậy, nếu không “tiếp cứu” kịp thời, một khi tình trạng phá sản diễn ra, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Theo đó, một số cơ quan ban ngành, đặc biệt là ngành xây dựng, nhiều lần đề nghị Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất khuyến khích ở mức 12 – 13%. Có tiền, doanh nghiệp có điều kiện hoàn thiện các dự án dang dở để có sản phẩm mới bán ra thị trường, có tiền để trả lãi ngân hàng, trả các khoản nợ cũ và hồi phục. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng bơm tiền cho doanh nghiệp không phải là một giải pháp hay. Bởi thị trường không hề thiếu “thành phẩm – căn hộ”, khi tình trạng hàng tồn kho tại các dự án đã lên đến một phần ba. Giúp các doanh nghiệp hoàn thiện dự án dang dở đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn cung cho thị trường, càng gây áp lực cho người bán, trong hoàn cảnh thị trường ngưng trệ. Hãy để doanh nghiệp phải xoay xở, xin phép chia nhỏ căn hộ, hạ giá bán, giá càng hạ và căn hộ càng nhỏ thì càng kéo cầu thực gần hơn với nguồn cung. Nếu muốn “tiếp sức” cho thị trường, Nhà nước cần tác động từ phía người mua. Làm sao cho nhu cầu của người chưa có nhà trở thành cầu thực, giúp họ tham gia vào việc mua các sản phẩm của ngành bất động sản. Giải pháp có thể là hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho người mua nhà lần đầu, với thời gian trả nợ lên đến hàng chục năm. Bên cạnh đó là các chính sách giảm thuế đất, thuế mua bán một cách đồng bộ. Nếu không như vậy, thị trường còn lâu mới có thể sôi động, bởi giá bán tại nhiều dự án dù có giảm nhưng vẫn chưa tiệm cận với giá mà người mua để ở có thu nhập trung bình mong muốn.
Phát triển bền vững
Lâu nay, cách điều hành của nhiều cơ quan chức năng đối với thị trường bất động sản còn theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Chỉ khi thị trường hầu như bất động, một số mới bắt đầu điều chỉnh, siết chặt “luật chơi” để hướng đến một sự phát triển ổn định. Ai cũng biết, một khu đô thị mới ra đời phải nằm trong một tổng thể hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, thế nhưng điều cơ bản ấy lâu nay không hề được tôn trọng. Cuối tháng 9 vừa qua, UBND Hà Nội mới ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện điều lệ quản lý thực hiện dự án đối với dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc thực hiện các dự án như khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở… phải xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình kiến trúc khác thuộc phạm vi dự án (trừ dự án phát triển khu nhà ở là dự án cấp hai thuộc dự án khu đô thị mới). Điều lệ quản lý thực hiện dự án được lập riêng cho từng dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở để tổ chức thực hiện và quản lý dự án trong giai đoạn thực hiện đầu tư, các hoạt động liên quan đến việc xây dựng, kinh doanh, vận hành, khai thác, chuyển giao, thủ tục hoàn thành, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch, kiến trúc và nội dung dự án đầu tư đã được chấp thuận và các quy định của pháp luật liên quan. Quy định còn nêu rõ trình tự thực hiện đầu tư dự án phải đảm bảo xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi xây dựng các công trình khác trong phạm vi dự án theo từng phân kỳ đầu tư; đảm bảo chất lượng, tiến độ và khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án; thực hiện phương thức chủ đầu tư cấp 1 là đầu mối quản lý toàn bộ dự án và mặt bằng xây dựng. Sở dĩ Hà Nội phải nhanh chóng ban hành quy định này vì có một thực tế là trên địa bàn thành phố có hơn 40 khu đô thị mới thì đa số dù sắp hoàn thành các hạng mục nhà ở cao, thấp tầng, nhưng cơ sở hạ tầng trong phạm vi dự án vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là thiếu trường học cũng như các công trình thiết yếu khác phục vụ cho cư dân, khiến người dân gặp khó khăn hoặc không muốn chuyển đến sinh sống. Một số khu đô thị khác dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có hạ tầng, nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành mở bán sản phẩm, huy động vốn từ khách hàng.