Nước Pháp vừa trải qua một giai đoạn ô nhiễm không khí với nhiều bụi hạt mịn. 8 câu hỏi đáp sau đây về ô nhiễm không khí sẽ giúp quí độc giả hiểu rõ hơn thế nào là ô nhiễm không khí.
1. Ô nhiễm không khí cao điểm có thật sự nguy hiểm đối với sức khỏe? Đúng.
Đối với hầu hết chúng ta, đỉnh điểm ô nhiễm không khí là không thể nhận biết, hay đỉnh điểm chỉ gây ra vài phản ứng khó chịu như ho, kích thích cổ họng và mắt… Các triệu chứng này giống như bị cảm lạnh hay các bệnh nhẹ khác vào mùa đông. Tuy nhiên, những người nhạy cảm, trẻ nhỏ hay người già, có thể phát triển thành các bệnh về hô hấp hay tim mạch.
Mối nguy cơ này trở nên trầm trọng về lâu về dài. Ô nhiễm mãn tính cũng nguy hiểm vào giai đoạn ô nhiễm cao điểm. Các vi hạt bụi có đường kính dưới 10 micromét hay dưới 2,5 micromet, xâm nhập sâu vào cơ quan hô hấp và các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là tim, càng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư phổi. Các hạt bụi mịn cũng có thể xuyên qua hàng rào nhau thai. Điều này có nghĩa là thai nhi cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Theo một nghiên cứu của Cục Y tế Công cộng Pháp, ô nhiễm bụi hạt mịn gây ra 48.000 trường hợp tử vong mỗi năm, tức tương đương với mức tử vong có nguyên nhân từ bia rượu, và làm giảm tuổi thọ đến 2 năm.
2. Tác nhân gây ô nhiễm là xe hơi lưu thông? Không.
Các hạt bụi mịn được xác định bởi kích thước của chúng, PM10: 10 lần mịn hơn sợi tóc, PM 2,5: tương đương với kích cỡ vi khuẩn, chứ không phải bởi thành phần hóa học vì chúng có thể có nguồn gốc rất khác nhau. Một số phát sinh từ thiên nhiên, như xói mòn, núi lửa phun trào, nhưng phần lớn là từ các hoạt động của con người: công nghiệp khai thác như bụi từ khai thác đá, sưỡi ấm trong nhà bằng đốt cũi trong lò sưỡi, vận chuyển bằng xe hơi, sử dụng phân bón trong nông nghiệp…
Ở các thành phố, chất ô nhiễm tập trung rất cao ở những trục đường lớn. Tuy nhiên, theo Airparif, tổ chức giám sát chất lượng không khí Paris và vùng phụ cận, khí thải do xe hơi lưu thông chỉ chiếm 28% hạt bụi mịn PM10 ở Paris và vùng ngoại ô, chỉ cao hơn chút ít so với sưỡi ấm tư nhân và doanh nghiệp (26%). Cụ thể, củi là chất đốt chỉ chiếm 5% nhưng lại thải ra tới 88% hạt bụi mịn theo một khảo sát thực hiện năm 2010.
Ngoài việc hạn chế xe cộ lưu thông, Sở Cảnh sát Paris đã cấm “sử dụng củi sưởi ấm cá nhân” trong thời gian cao điểm. Việc sử dụng lò sưởng củi đáng lẽ đã bị cấm ở Paris từ năm 2015, nhưng biện pháp này đã bị Bộ trưởng Sinh thái, Ségolène Royal, hủy bỏ với lý do biện pháp đó là “quá mức và nực cười”.
3. Phải chăng ô nhiễm không khí là hiện tượng chỉ diễn ra ở Paris? Không.
Ô nhiễm không khí ở khu vực Paris được xem là dày đặc nhất. Ô nhiễm từ xe cộ lưu thông ảnh hưởng đặc biệt đến nhiều người dân, do đó được đề cập đến nhiều nhất. Nhưng vấn đề này được đặt ra ở tất cả các thành phố lớn của Pháp.
Mặt khác, các loại ô nhiễm khác ảnh hưởng đến các thành phố và nông thôn là không rõ ràng lắm, ví dụ như các loại ô nhiễm liên quan đến nông nghiệp hay ô nhiễm khác. Trang web Prev’air ghi nhận chất lượng không khí tại thời điểm cụ thể trên toàn quốc.
Tại vùng thung lũng Haute-Savoie đỉnh điểm ô nhiễm hạt bụi mịn thường xuyên được quan sát. Theo một nghiên cứu gần đây nhất, đỉnh điểm ô nhiễm do đốt cũi sưỡi ấm chiếm 85%, vượt xa giao thông xe cộ hay công nghiệp.
4. Ô nhiễm đến từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đức? Không.
Cáo buộc này được lặp đi lặp lại mỗi khi xảy ra ô nhiễm: các hạt bụi mịn bay lững lờ trên bầu trời Paris đến từ các nhà máy điện chạy bằng than của Đức, nguồn sản xuất điện hàng đầu bên ngoài nước Pháp.
Trong giai đoạn diễn ra ô nhiễm từ ngày 21 tháng 2 năm 2018 tại Ile-de-France, phần lớn nguồn ô nhiễm đến từ Đức, Bỉ và Hà Lan, do ảnh hưởng của gió Đông Bắc, theo khảo sát của Airparif. Nhưng phân chất các hạt bụi mịn PM2,5, chỉ phát hiện những “dấu vết rất nhỏ” của gỗ và than, trong khi phần lớn đến từ nông nghiệp và giao thông đường bộ, theo xác định của cơ quan khảo sát chất lượng không khí Airparif.
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2011, ô nhiễm ghi nhận được ở khu vực đường vành đai Paris là 44%, trong khi 17% đến từ các khu phố còn lại và 39% có nguồn gốc từ các nước lân cận.
5. Xe lưu thông theo ngày chẵn, ngày lẻ; tổ chức giao thông thay thế hay chuyên biệt có thật sự hiệu quả? Chỉ hiệu quả ở mức trung bình.
Vào tháng 12 năm 2016, đối mặt với tình trạng ô nhiễm kéo dài, Sở Cảnh sát Paris đã áp dụng giao thông thay thế trong 4 ngày liên tiếp tại các vùng tập trung dân cư Paris. Vào những ngày chẵn, chỉ những xe có bảng số chẵn mới được phép lưu thông; ngược lại, vào những ngày lẻ xe có bảng số lẻ được lưu thông. Thành phố Lyon cũng áp dụng biện pháp tương tự.
Mặc dù biện pháp này tỏ ra rất hiệu quả trong 3 lần áp dụng đầu tiên ở Paris, nhưng kết quả của lần áp dụng vào năm 2016 lại thất bại, với mức ô nhiễm giảm không đáng kể, và thậm chí còn gây ra ách tắc giao thông. Tiền phạt vi phạm không bao nhiêu và các cuộc kiểm tra không thường xuyên. Sở Cảnh sát Paris đã phải kêu gọi mọi người hãy nâng cao “ý thức công dân” để thuyết phục người lái xe.
Từ năm 2017, biện pháp này được thay thế bằng phương pháp “lưu thông chuyên biệt” áp dụng tại Paris, Lyon, Lille, Strasbourg, Grenoble, Toulouse và Rennes. Xe hơi không còn bị cấm lưu thông theo bảng số xe, mà theo tỷ lệ ô nhiễm được xác định bằng nhãn dán của Crit’Air. Nhưng hệ thống này, chưa được công chúng biết đến nhiều, đã không mấy thành công khi được triển khai vào tháng 1 và tháng 6 năm 2017 tại Paris. Trong tháng 2 năm 2018, biện pháp này đã không được áp dụng, dù được tòa thị chính yêu cầu.
6. Có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu? Có một phần.
Ô nhiễm không khí và khí thải gây hiệu ứng nhà kính là 2 hiện tương riêng biệt. Ô nhiễm không khí có tác động cục bộ đối với sức khỏe và môi trường mà chúng ta có thể nhận biết, trong khi biến đổi khí hâu tác động toàn cầu, gây sự thay đổi khí hậu chậm chạp, âm ỉ. Tuy nhiên, cả 2 đều do các hoạt động của con người gây ra: giao thông, sưởi ấm, nông nghiệp, công nghiệp… Một chất gây ô nhiễm như ozone có ảnh hưởng đến cả chất lượng không khí và sự nóng lên của trái đất, theo lời giải thích của Airparif. Bằng cách gia tăng và kéo dài các giai đoạn nóng bức, biến đổi khí hậu có thể làm nổi bật các thời kỳ ô nhiễm.
Ngược lại, trong một số trường hợp, cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu có thể không hiệu quả đối với chất lượng không khí. Ví dụ, xe động cơ diesel có lợi thế ở Pháp vì ít thải ra CO2 hơn, nhưng lại tạo ra nhiều hạt bụi mịn. Tương tự, sưởi ấm bằng gỗ được khuyến khích vì gỗ là nguồn năng lượng bền vững và ít ô nhiễm hơn dầu và khí, nhưng nó lại có hại cho chất lượng không khí. Đánh giá loại chất đốt nào tốt hơn đôi khi không dễ dàng.
7. Ngồi trong xe hơi ít bị ô nhiễm hơn bên ngoài? Không.
Người lái xe gây ra ô nhiễm cũng là người đầu tiên hứng chịu ô nhiễm vì không khí ô nhiễm lọt vào trong xe, đặc biệt là trong lúc kẹt xe. Theo trạm quan sát không khí địa phương Midi-Pyrénées, nồng độ carbon monoxide trong xe đặc biệt cao. Xe buýt, rộng rãi và thông thoáng hơn, sẽ ít bị ô nhiễm hơn.
Ngược lại, trong tàu điện ngầm, không khí bị ô nhiễm bởi bụi hạt mịn phát sinh từ ma sát với đường ray khi tàu thắng. Mức ô nhiễn lên đến 500 microgram/mét khối vào giờ cao điểm, tức 10 lần cao hơn mức chuẩn.
Cuối cùng, đi bộ hay xe đạp xa các trục lộ giao thông chính, dường như là cách di chuyển tốt nhất giúp tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, cần phải đi bộ hay đạp xe với tốc độ vừa phải vì vận động cường độ cao khiến không khí ô nhiễm vào phổi nhiều hơn.
Ngay cả không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm bởi chất đốt dùng để nấu nướng, nước hoa, chất khử mùi, nước sơn bốc ra từ tường nhà và đồ đạc.
8. Không khí ô nhiễm là tai ương? Không.
Vấn đề chất lượng không khí chỉ thật sự xuất hiện trong cuộc tranh luận công khai vào thời gian cao điểm ô nhiễm, trong khi đây lại là vấn đề quan trọng gây ra 48.000 ca tử vong/năm có thể tránh được. Các giải pháp đề ra được thực hiện hay dần dần triển khai ở Pháp:
- Tiêu chuẩn Euro về khí thải xe hơi đã được đề ra.
- Hỗ trợ tài chánh để mua xe hơi sạch như xe điện.
- Lệnh cấm các phương tiện gây ô nhiễm nhiều nhất ở trung tâm thành phố. Từ tháng 2 năm nay, các xe lưu thông trên đường phố Paris phải có giấy chứng nhận của Crit’Air.
- Giới hạn tốc độ trong thành phố.
- Sắp xếp lại các tuyến đường giao thông để tránh đường cao tốc trong thành phố.
- Khuyến khích tài chánh để đổi mới lò sưỡi ấm đã cũ kỹ.
Tuy nhiên, nhiều biện pháp trong số này đang vật lộn để phát triển, đặc biệt là do áp lực từ ngành công nghiệp xe hơi.
- Xem thêm: 10 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí