Từ khi tiến trình tái cơ cấu được tiến hành quyết liệt vào cuối năm 2011, hoạt động của hệ thống ngân hàng đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Trong quá trình tái cơ cấu, một số ngân hàng thương mại đã mua lại, tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoặc sáp nhập với ngân hàng thương mại khác để tăng quy mô hoạt động, tái định hướng chiến lược kinh doanh, mở rộng cơ sở khách hàng, gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ. Nhờ vậy, số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm đi trong khi năng lực tài chính được cải thiện đáng kể. Tính đến tháng 8 năm nay, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại liên tục đã trên 400 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2011. Vốn chủ sở hữu cũng đạt trên 500 ngàn tỉ đồng, tăng gần 17% so với năm 2011. Trong quá trình này, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Hiện có 17 ngân hàng thương mại có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, chín ngân hàng trong số đó có cổ đông chiến lược nước ngoài. Tình trạng lỗ lã gần như không còn, các ngân hàng đã đi vào giai đoạn phát triển ổn định.
Giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng là một mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Nợ xấu tồn đọng khiến cho hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng bị đình trệ, dòng vốn của nền kinh tế bị tắc nghẽn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chế tài cụ thể, như quy định tổ chức tín dụng phải có nợ xấu dưới 3% mới được xem xét chấp thuận mở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, máy ATM, cung ứng dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới… Năm nay, trong chính sách điều hành của mình, xử lý nợ xấu là mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, cũng như được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Ngành ngân hàng được yêu cầu phải đưa nợ xấu về dưới mức 3% tổng dư nợ trước cuối năm 2015, từ mức 17% trên tổng dư nợ vào đầu năm 2012.
Sau một quá trình chạy nước rút, hệ thống ngân hàng đã làm được điều này trước thời hạn. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã thông báo tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến 30-9-2015 chỉ còn 2,9%. Bên cạnh nỗ lực tự thân của các ngân hàng như tích cực thu hồi nợ, trích lập quỹ dự phòng và dùng nguồn này để xử lý nợ, tuân thủ nguyên tắc cho vay để giảm các khoản nợ xấu mới…, không thể không nhắc đến “công cụ” VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Ngay từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản tới các tổ chức tín dụng yêu cầu phải bán cho VAMC một số lượng nợ xấu nhất định và hoàn thành trước 30-9. Vậy nên, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu bán nợ. Đại diện VAMC cho biết, trong số nợ xấu mà ngành ngân hàng đã xử lý trong thời gian qua, nợ xấu được xử lý qua công ty này lên đến 41,3%.
Điều đáng nói ở đây là khả năng xử lý nợ xấu đã mua về của VAMC. Do chưa thể bán số nợ xấu thu gom được cho đơn vị khác, VAMC chỉ có thể tự xử lý, tái cơ cấu khoản nợ, thu hồi nợ…, một công việc vô cùng khó khăn. Kết quả là từ cuối năm 2013 đến nay, VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 7% tổng số nợ mua về. Với tỷ lệ xử lý khiêm tốn này, VAMC mới chỉ thể hiện tốt vai trò thu gom nợ xấu, chứ chưa thể xử lý triệt để nợ xấu. Mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã hoàn thành, giờ đã đến lúc trao thêm quyền hạn và định thêm cơ chế cho VAMC (được bán nợ cho các định chế tài chính khác), để quá trình xử lý nợ xấu đạt được thực chất.
Minh Huy (DNSGCT)