Từ sau năm 1976, hằng năm tôi đều về nước ít nhứt là một lần. Tháng 3 năm 1977 tôi trở về Việt Nam, vì chưa có đường bay thẳng từ Pháp về thành phố Hồ Chí Minh nên tôi phải ghé Hà Nội mặc dầu lần này do trong Nam mời.
Trên chuyến bay tôi gặp em Nguyễn Văn Nam (hiện nay dạy về sáng tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) là sinh viên du học tại Liên Xô. Em tới chào tôi và sau mấy câu hỏi han chúng tôi rất vui nhận ra là người đồng hương. Em Nam đổi chỗ lại ngồi gần tôi chuyện trò suốt chuyến đi, về tới Hà Nội em đổi vé máy bay ở lại đây nghe tôi nói chuyện mấy bữa tại Nhạc viện rồi mới về miền Nam thăm cha mẹ ở làng Long Hưng. Sau đó em viết thơ cho tôi: “Trên chuyến bay từ Liên Xô về thăm nhà, em được gặp anh, chẳng những được anh truyền cho tình cảm nồng nàn đối với quê hương mà còn mở cho nhiều hướng đi. Em xin cố gắng làm theo những điều anh chỉ bảo và luôn hết lòng phục vụ âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
Nhân thời gian tôi lưu lại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thương mời tôi nói chuyện mấy buổi về âm nhạc truyền thống của vài nước như Ba Tư, Nhựt Bổn tại Nhạc viện.
Liên tiếp mấy bữa tôi thuyết trình, có một cậu đội nón cối bộ đội đứng nghe say mê ở ngoài cửa, hồn nhiên vỗ tay cười nắc nẻ những đoạn tôi kể chuyện vui. Tưởng đó là một sinh viên trường nhạc, không ngờ cậu là bộ đội nhưng thích nghe tôi nói chuyện nên bỏ việc tới đây. Mấy hôm sau trong một dịp tình cờ tôi được biết cậu đã bị kỷ luật vì mê âm nhạc mà bỏ bê công tác, nghe vậy tôi rất áy náy và đã đến đơn vị của cậu xin họ thông cảm, rất may cậu được đơn vị tha cho lần đó.
Tại Nhạc viện cũng có vài giáo sư Liên Xô tới nghe tôi nói chuyện có người thông dịch. Trong giờ giải lao anh thông dịch tới nói với tôi:
Tôi là người thông dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt cho các giáo sư Liên Xô, điều này tôi làm dễ dàng vì đã quen việc. Hôm nay nghe có anh từ Pháp về nói chuyện mấy ông muốn được dự thính, phải dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nga tôi cảm thấy có khó khăn, nhứt là những từ chuyên môn. Tuy vậy tôi rất vui vì lần đầu tiên tại đây có giáo sư Việt Nam nói cho người Liên Xô tới ngồi nghe. Tuy có vất vả nhưng tôi phấn khởi và hãnh diện lắm. Cũng trong lần đó tôi còn nhớ một giáo sư người Hà Nội thắc mắc với tôi rằng ông không biết cây đờn của Thúy Kiều thuộc loại gì? Xưa nay sách vở vẽ Thúy Kiều ôm đờn tỳ bà, nhưng thân đờn tỳ bà hình bầu dục trong khi lời thơ ghi “Trên hiên treo sẵn cầm trăng”, mà “cầm trăng” là nguyệt cầm nghĩa là thùng đàn tròn như mặt trăng. Mà cho rằng Kiều sử dụng cây đờn nguyệt cũng không đúng vì “Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương”, đờn nguyệt chỉ có hai dây chớ không phải bốn. Ông nói rằng đã hỏi nhiều người nhưng chưa ai giải đáp được và hỏi tôi nghĩ sao? Tôi trả lời:
Nhân 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du, tôi có viết một bài tham luận bên Pháp về vấn đề này. Trước tiên tôi nêu ra câu “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”. Thông thường thì hồ cầm – nghĩa là cây đờn của rợ Hồ – dùng để chỉ cây đàn nhị, nhưng khi tôi xem chữ hồ cầm của Trung Quốc trong quyển sách Thích Danh và nhờ cụ Hoàng Xuân Hãn tìm trong Từ nguyên, Từ Hải thì thấy rằng hồ cầm không chỉ là tên gọi đờn cò, đờn nhị mà cả đờn tỳ bà, tức là đờn barbat của Ba Tư du nhập vào Trung Quốc. Vậy hồ cầm có thể là đờn nhị mà cũng có thể là đờn tỳ bà.
Tôi lại tìm chữ “tỳ bà”, truy tìm “tỳ bà loại” trong sách Thích Danh và các sách Trung Quốc thì thấy ở nước này có ba loại: loại thứ nhứt có bốn dây (tứ huyền tỳ bà), Việt Nam sử dụng đờn này, có thân hình bầu dục liền với cần. Loại thứ nhì năm dây (ngũ huyền tỳ bà) có từ đời Đường du nhập qua Triều Tiên được người dân nước này sử dụng một thời gian và đặt tên Hyang pipa tức là hương tỳ bà, đờn tỳ bà của Triều Tiên khác với Tang pipa (Đường Tỳ bà) của Trung Quốc. Đặc biệt loại thứ ba là Nguyễn cầm, lấy theo họ của người tạo ra cây đờn đó là Nguyễn Hàm sống vào đời Tấn bên Trung Quốc. Đây là đờn tỳ bà bốn dây có thùng tròn cần dài, hiện nay gần như thất truyền bên Trung Quốc, chỉ còn một cây tàng trữ tại Shosoin, một bảo tàng viện về nhạc khí ở Nara, Nhựt Bổn. Năm 1961 khi tôi đến Nhựt Bổn, Giáo sư Kishibe đã đưa tôi tới viếng chỗ tàng trữ nhạc cụ tại bảo tàng viện này và được dịp nhìn thấy tận mắt cây đờn Nguyễn cầm.
Sau đó tôi tìm đọc kỹ những áng văn của cụ Nguyễn Du. Trong một bài viết bằng chữ Hán kể chuyện về một người có tài đờn ca tại làng Long Thành tựa đề “Long Thành cầm giã ca”, vừa đọc đến “Độc thiện Nguyễn cầm” (tức là người chuyên sử dụng đờn Nguyễn cầm) tôi giựt mình vì cụ Nguyễn Du viết “Nguyễn cầm” chớ không phải “Nguyệt cầm”.
Cụ Nguyễn Du chỉ ghi tên cây Nguyễn cầm mà không giải thích gì thêm, nhưng từ đó có thể suy ra cụ rất tâm đắc với đờn Nguyễn cầm (có thể vì nó mang họ Nguyễn cũng là một họ của Việt Nam) nên đã đặt nó vào tay của Thúy Kiều và cả trên tay một nhạc sĩ người ở làng Long Thành.
Do đó, nếu cây đờn của Thúy Kiều có tên gọi là hồ cầm, thùng đờn tròn như mặt trăng lại có bốn dây, thì ngoài cây Nguyễn cầm không đờn nào có đủ ba yếu tố đó nên tôi nghĩ rằng ta có thể kết luận Thúy Kiều đã sử dụng đờn Nguyễn cầm.
Trích “Hồi ký Trần Văn Khê” – Tập 3
GS-TS Trần Văn Khê (DNSGCT)