Những khán giả đã đọc truyện ngắn Ơi Cải về đâu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hẳn sẽ xúc động ngay từ cảnh đầu tiên của vở kịch Rau răm ở lại của sân khấu Hoàng Thái Thanh, cảnh mà ông Năm Nhỏ với giỏ bánh trái lủng lẳng trên đầu, trước ngực đeo bảng “Cải ơi, má chờ”. Sự chờ đợi, tìm kiếm là cái tứ mà đạo diễn và các diễn viên đã dẫn dắt khán giả đi xuyên suốt vở kịch của mình. Trong cuộc tìm kiếm và mong chờ của mình, các nhân vật đã nghiệm ra những điều gì, hay chính xác là khán giả sẽ nghiệm ra điều gì? Ông Năm Nhỏ với hành trình 12 năm đằng đẵng tìm con cho vợ – cũng là để minh oan cho mình – đã nói với khán giả rằng không thể đem tình yêu thương của hai người đặt lên bàn cân mà không bị lệch và khi tình thương đủ lớn là không thể làm cho người ta thoái lui. Vì vậy, mặc người đời nói rằng ông già khùng điên, ngớ ngẩn, tìm chi tìm miết một người bằng đủ mọi cách mà không thấy mỏi mệt, ông vẫn tiếp tục hành trình của mình. Bao nhiêu người vì thương ông Năm Nhỏ mà bất bình, như Diễm Thương đã nói toẹt ra, đại khái là: con Cải có chết cũng đáng, có gia đình mà không biết quý, ông vẫn không dừng lại mà cứ miệt mài tìm con. Lý lẽ của ông Năm Nhỏ rất đơn giản, làm sao mà mình tìm được sự sòng phẳng ở đời và sòng phẳng trong tình cảm là điều không thể có. Cha mẹ sinh con ra và yêu thương vô điều kiện, đâu cần con cái đáp trả, ơn nghĩa bạn bè, xóm giềng giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, đền đáp thế nào cho cân. Bởi ta sinh ra trên đời là đã tham gia vào những cuộc trao đổi không sòng phẳng rồi, nên nghe ai nói đến chữ sòng phẳng là ông thấy ghét, người ta bảo con riêng của vợ chứ có phải con ruột ông đâu mà nhọc công vậy, ông mặc kệ. Đến khi vở kịch do vợ ông dàn dựng đã hạ màn, người ta cay đắng cho ông Năm Nhỏ đã sống những năm dài mỏi mệt, riêng ông cảm thấy nhẹ lòng, đã sống vì tình thương vợ con thì có gì ân hận.
Trong những tháng ngày rong ruổi, ông Năm Nhỏ gặp những thân phận chẳng vui vẻ gì, như Quách Phú Thàn, Diễm Thương hay cô Huệ…, mỗi người một cảnh đau thương, do chính mình và do người khác gây nên. Có phải vì đời đưa đẩy ông Năm Nhỏ gặp những hoàn cảnh trái ngang để ông thấy rằng ai cũng nếm trải bi thương chứ chẳng phải riêng mình, để ông đủ nghị lực trụ lại cuộc đời và tiếp tục yêu thương? Thằng Thàn bỏ nhà, quyết tìm được công danh mới quay về. Ca sĩ Quách Phú Thàn tiếng tăm lừng lẫy đâu không thấy, chỉ thấy thằng Thàn bán kẹo kéo “lang thang cơ nhỡ”. Ông Năm Nhỏ và thằng Thàn cưu mang nhau trong căn chòi dột nát ở gò mả. Hai người cãi nhau hoài mà chẳng thể rời nhau, cuộc đời “hè phố” phải “sống cộng sinh” là vậy. Diễm Thương – một cuộc đời buồn bã khác – bị bỏ rơi từ nhỏ, vừa oán giận vừa khát khao được về với gia đình. Trong lòng đầy những tình cảm trái ngược ngổn ngang nên Diễm Thương đối mặt với cuộc đời bằng cách nói năng bạt mạng và những cử chỉ thô lỗ. Vì lúc nào cũng luôn muốn “xù lông” với những người xung quanh để che đậy cái yếu đuối bên trong của mình mà Diễm Thương đã bày ra một trò đùa “quá mạng” với ông Năm Nhỏ. Cô Huệ – chủ quán cà phê Chiều Tím – chờ đợi một người đàn ông bỏ mình ra đi đã hai mươi năm. Trong lòng ngút ngàn oán giận mà Huệ chẳng hiểu sao mình vẫn cứ chờ.
Có lẽ vì quá thương ông Năm Nhỏ mà đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng cùng với nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội đã quyết định viết tiếp câu chuyện cho hồi kết trọn vẹn. Nhân vật bà Thêm được viết thêm và biến bà trở thành người đàn bà bội phản để ông Năm Nhỏ thôi cuộc tìm kiếm mà lòng dạ nhẹ bâng. Xem ra các nhân vật trong vở kịch đều mang phận… rau răm, chứng kiến những cuộc bỏ đi của người thân. Người đi thì xem như biền biệt, chẳng hiểu họ mang nỗi lòng gì, chỉ biết những người ở lại đúng là… “chịu đời đắng cay”, bởi lòng luôn đeo mang những dằn vặt. Con Cải bỏ đi dù chẳng phải lỗi do mình nhưng ông Năm Nhỏ luôn thấy có lỗi với vợ con và mải lo lắng không biết liệu nó sống ra sao. Ba mẹ Diễm Thương bỏ con rồi đi mất khiến con nhỏ lớn lên trong hoang mang: Gia đình mình đâu? Ba mẹ mình là ai?… Cô Huệ thì vẫn “gan lì” cùng quán cà phê đầy tai tiếng để xem người đàn ông ấy khi nào đến đây. Còn thằng Thàn bỏ nhà ra đi, cứ tưởng hắn là cây cải, ai dè cuối cùng cũng là phận rau răm mang nỗi ân hận cha chết mà mình không kịp gặp mặt. Xem xong vở kịch, đúng là thương phận rau răm nhưng cũng có lẽ cũng khiến cho những “cây cải” lưu lạc đâu đó giật mình tìm về với những người thân yêu của mình.
Năm Nhỏ là vai diễn sở trường của nghệ sĩ ưu tú Thành Hội nên anh diễn thoải mái… như không. Anh thể hiện bản lĩnh sâu khấu của mình từ đầu đến cuối vở diễn, làm cho khán giả yêu thương ông Năm Nhỏ của mình. Đoàn Thanh Tài đã thể hiện tốt vai diễn của mình, tiến bộ hơn rất nhiều so với các vai diễn trước đây. Anh đã cố gắng rất nhiều từ đài từ và những mảng miếng tung hứng với bạn diễn. Hoàng Vân Anh có lẽ ở những suất diễn sau sẽ mềm mại hơn, bớt gồng hơn trong cách thể hiện sự xù xì, nghênh ngang của mình.
Đạo diễn Thái Kim Tùng đã có một cơ hội tốt để đem vở diễn Cải ơi từ cà phê kịch ra một sân khấu lớn, chuyên nghiệp hơn. Vở kịch có những cảnh được đạo diễn dựng rất tốt, như cảnh ông Năm Nhỏ đuổi Thàn đi nhưng anh chàng cứ tìm mọi cách nấn ná ở lại. Đó là cảnh làm cho khán giả cảm động bởi hai kẻ xa lạ, lang thang quá hiểu nhau và cũng hiểu rằng người này không thể sống thiếu người kia. Đạo diễn đã xử lý những cảnh hồi tưởng tốt khi cho nhân vật hồi tưởng và các nhân vật hiện tại cùng xuất hiện trên sân khấu. Có một cảnh làm cho vở kịch bị diễn giải một cách lê thê, đó là cảnh người vợ của ông khách quán Chiều Tím đến đánh ghen, rồi hai vợ chồng dần dần hiểu ra và quay lại với nhau. Đó là cảnh dư thừa của vở kịch mà nếu có cắt đi thì không ảnh hưởng gì đến nội dung và thông điệp của vở diễn, ngược lại còn làm cho vở kịch “gọn gàng” hơn.
- Lâm Hạnh, Ảnh HTT