Nhật Bản đang thay đổi: một xã hội lão hóa nhanh chóng, một lượng khách du lịch kỷ lục và số robot nhiều hơn bao giờ hết. Đó là nơi thế hệ trẻ tuổi của đất nước vào cuộc. Việc sử dụng khôn khéo không gian và một ngành khách sạn nhiều thế kỷ đã làm cho các khách sạn của Nhật Bản nổi tiếng. Một thế hệ mới nhà cho thuê thu hút lớp người trẻ có thể giúp xác định kỷ nguyên Airbnb thời hậu Thế vận hội của Nhật Bản.
Khách hàng tìm kiếm điều kỳ lạ hấp dẫn
Ryuhei Hirano đang ngồi trên một chiếc ghế dài bọc đệm trong một căn phòng nhỏ gọn nhìn xuống Ikebukuro, một trong những khu giải trí của Tokyo. Một số lượng sách và tạp chí nhiều vô cùng bằng tiếng Anh và tiếng Nhật được xếp trong giá ốp tường, trong khi nhạc hip-hop chơi nhẹ nhàng phía trên đầu. Có một bàn nhỏ gần đó để pha một tách cà phê và một chai bia – thời gian lý thú là 13 đến 18 giờ.
Hirano, 24 tuổi, sống ở Tokyo, nói: “Tôi tìm thấy nơi này trên Google. Tôi muốn ở đây một giờ để thư giãn”. Nhưng đây không phải là một quán cà phê hay hiệu sách. Chen giữa các giá để tạp chí thiết kế bóng loáng và sách hướng dẫn du lịch là những giường cá nhân với yêu cầu tối thiểu được đặt sâu vào trong tường, với khăn trải giường trắng tinh và một vài cái mắc áo ở móc treo bên trong.
Nơi này là “Book and Bed Tokyo” – một khách sạn mặc dù trông chẳng giống khách sạn. Bạn có thể ở lại qua đêm trong không gian “bán chung đụng” này hoặc trả một khoản phí nhỏ để thư giãn và đọc sách một lúc. Việc kinh doanh này đã thành công đến mức hiện có 4 địa điểm như vậy ở Tokyo, một ở Kyoto và một ở Fukuoka phía nam Nhật Bản. Ngay cả khi Airbnb thắng thế đối với khách sạn toàn cầu, ngành khách sạn Nhật Bản vẫn đang bùng nổ.
Quốc gia Đông Á này hiện đang có một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới, với thủ đô Tokyo, chuẩn bị đón 10 triệu du khách vào tháng 7 cho Thế vận hội Mùa hè 2020. Tuy nhiên, có mối lo lắng. Các nhà phân tích sợ rằng, sau khi hết Olympic, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khách để lấp đầy hàng chục ngàn phòng khách sạn mới. Và việc thu hút khách và phải cạnh tranh với những kẻ gây rối như Airbnb là một thực tế đang diễn ra mà ngành khách sạn tại nhiều nước phải đối mặt.
Airbnb là một thị trường cộng đồng cho việc đặt và cho thuê phòng, căn hộ, có trụ sở tại Silicon Valley, California được thành lập trong năm 2008, tương tự như một hệ thống đặt hàng trực tuyến. Cụ thể hơn, Airbnb là cụm từ viết tắt từ “Airbed and Breakfast” (nhằm chỉ việc ngoài có chỗ ngả lưng và còn được phục vụ bữa sáng miễn phí).
Đây là một dịch vụ di động nhằm kết nối người cần thuê nhà, chỗ ở với những người có nhu cầu cho thuê nhà và chỗ ở. Người cần thuê chỉ cần nhập nơi mong muốn, xác nhận thì địa chỉ của căn hộ sẽ được gửi đến. Tất cả việc thanh toán sẽ được thông qua ứng dụng này và nó sẽ thu khoản phí trung gian với cả người thuê và người cho thuê. Airbnb còn được ví von vui là Uber của ngành khách sạn. Nhưng các khách sạn hạng sang và khác biệt kiểu như “Book and Bed Tokyo” có thể chính là chìa khóa để thu hút một loại khách du lịch mới – và vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh.
Lớp người trẻ từ lâu đã tìm kiếm những “trải nghiệm” trong các quyết định chi tiêu của mình: như đến Bảo Tàng Kem ở New York hoặc tiết kiệm tiền để đến các lễ hội âm nhạc, thay vì mua một chiếc ô tô biểu tượng trạng thái hoặc mua đồng hồ xa xỉ đắt tiền. Các doanh nhân đã biết rõ hiện tượng này và, ở Nhật Bản, đã hình thành một loạt các khách sạn phá vỡ khuôn mẫu truyền thống để thu hút lớp trẻ. Khách sạn Henn-na (nghĩa là Khách sạn Kỳ Dị) ở Nagasaki đã tạo sức hút trên báo chí quốc tế vì bố trí nhân viên lễ tân là các robot như một khổng long máy và người máy thay cho con người.
Khách sạn Trunk ở Tokyo là khách sạn hạng sang nhưng tái sử dụng cao cấp – một khách sạn sinh thái có tường và giường làm một phần bằng gỗ từ những nhà bị phá hủy ở Nhật Bản – và có một “khách sạn siêu nhỏ” chỉ một phòng ở một nơi khác ở Tokyo – đó là một ngôi nhà geisha trước đây và làm thành một “hộp đêm” hoàn chỉnh có vũ trường. Khách sạn Gracery ở Shinjuku có một căn phòng được thiết kế độc đáo với… con quái vật Godzilla từ trong tường chui ra.
Một chuỗi khách sạn hạng sang đang đắt khách có tên là First Cabin, trong đó các phòng là các cabin khá rộng được làm theo mẫu ghế hạng nhất trên máy bay, giống như phòng ngủ nhỏ. Đẹp đẽ và hiện đại, các tầng được phân biệt theo giới tính và có chung phòng vệ sinh, phòng giặt là và phòng tắm chung truyền thống Nhật Bản. Chuỗi khách sạn này được mở vào năm 2006, và hiện có gần 30 địa điểm trên khắp nước Nhật.
Tadao Kimachi, chủ tịch của tập đoàn First Cabin Inc, đánh giá sự thành công là do ý tưởng độc đáo của nó và cũng do thực tế là nó đưa ra một phương án thay thế với chi phí thấp và chất lượng cao so với khách sạn cấp thấp. Tadao Kimachi cho biết: “Hãng hàng không Singapore đã ra mắt phòng ‘bán riêng tư’ đầu tiên cho ghế hạng nhất – nó gần giống với cabin của chúng tôi. Để có một ghế hạng nhất sẽ phải chi 2 triệu yên (18.000 USD) để bay đến New York. Tại đây, bạn có thể trải nghiệm khoang hạng nhất với giá 5.000 yên”. Kimachi tiết lộ một nửa số khách của First Cabin là doanh nhân Nhật, nửa còn lại là khách du lịch nước ngoài.
Sành điệu, rẻ hơn, thú vị mang tính văn hoá
Bên ngoài Nhật Bản, các chuỗi khách sạn lớn từ Hyatt đến Hilton đã cố gắng thu hút khách du lịch trẻ tuổi thông qua các khách sạn thứ cấp của các khách sạn có lối sống cao cấp với các phòng rẻ hơn và nhỏ hơn nhưng có tiện ích đặc biệt tập trung vào các trải nghiệm, như sân golf mini, quán bar kiêm phòng tiệc, hoặc bánh mì thịt cải chiên Mexico.
Kiyoshi Tsuchiya, giám đốc thị trường khách sạn và công ty dự báo CBRE Hotels, Nhật Bản, nói rằng đối với các khách sạn hạng sang thì nhóm khách hàng chính là “khách hàng giải trí nước ngoài rất nhạy cảm với thời trang, món ăn, âm nhạc – vâng, là lớp trẻ sinh đầu thế kỷ”. Trong một báo cáo năm 2019, CBRE cho hay số lượng phòng khách sạn ở Nhật khai trương từ năm 2019 đến 2021 sẽ tăng gấp 2,5 lần trong một năm để đáp ứng sự tăng trưởng du lịch trong nước.
Nhưng nó cảnh báo vào năm 2021, nguồn cung về phòng sẽ vượt quá nhu cầu tới 21.000 phòng ở Osaka và 12.000 phòng ở Tokyo và Kyoto. Báo cáo trên nêu “CBRE tin rằng sự khác biệt sẽ là cần thiết để các khách sạn thành công. Các khách sạn có lối sống cao cấp có thể đáp ứng nhu cầu đang mở rộng của du khách thì sẽ thu hút được khách hàng” Nó định nghĩa khách sạn khách sạn có lối sống cao cấp là khách sạn được thiết kế dựa trên ý tưởng sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng và trải nghiệm, ngoài việc cung cấp chỗ ở.
“Về ý tưởng nơi trú ngụ tạo ra trải nghiệm thì Nhật Bản đã có một lịch sử lâu dài,” Maggie Rauch, nữ giám đốc nghiên cứu và phân tích trưởng tại Phocuswright, một cơ quan nghiên cứu về du lịch và khách sạn có trụ sở tại New York, nói. Rauch tin rằng việc sử dụng khôn ngoan không gian đô thị hạn chế ở Nhật và văn hóa hiếu khách phong phú kéo dài hàng thế kỷ đã khiến ngành khách sạn của Nhật nổi bật so với phần còn lại của thế giới.
Điều này được thể hiện trong hai phong cách lưu trú được sinh ra ở Nhật Bản: đó là “ryokan” (tức nhà trọ truyền thống gia đình với dịch vụ tiêu chuẩn vàng đã tồn tại hàng trăm năm) – và khách sạn “kén nhộng”. Trên thực tế, những chuỗi khách sạn như “First Cabin” và “Book and Bed” trông đặc biệt giống khách sạn kén nhộng và giống ryokan theo cảm hứng về mô hình thiết kế và kinh doanh làm nó khác với các khách sạn điển hình.
Kimachi so sánh các khách sạn lấy cảm hứng từ hãng hàng không với ryokan, nơi khách ngủ trên chiếu nệm sàn bằng rơm trong các phòng được ngăn cách bằng những bức tường trượt dán giấy và ăn các món như nhà nấu. Kimachi giải thích: “Trước đây, có những tấm chiếu rơm và không có chìa khóa để khóa phòng của bạn. Bạn sẽ chia sẻ phòng tắm và bồn tắm.
Khách sạn First Cabin đầu tiên yêu cầu có thẻ khóa để vào được từng tầng, nhưng bạn không thể khóa cabin của mình. Khách sạn của chúng tôi có cùng phong cách đó, nhưng bạn có không gian hoặc giường riêng để ngủ. Đó là cách ở trọ truyền thống Nhật Bản được thể hiện trong một hệ thống và thiết kế hiện đại”. Khách sạn First Cabin, cũng như “Book and Bed”, cũng mượn các yếu tố của các khách sạn kén nhộng. Lần đầu tiên ra mắt ở Osaka vào thập niên 1970, đây là những lựa chọn cần thiết nhất thích ứng với hàng chục buồng có kích thước cơ thể 1 người để đưa vào tường.
Thoạt đầu, chúng nhằm đáp ứng các doanh nhân bị lỡ chuyến tàu cuối cùng và cần một nơi rẻ để ngủ lại, nhưng kể từ đó chúng đã thu hút được một lượng khách hàng lớn hơn và thậm chí còn lan sang các nước khác. So Rikimaru, chủ sở hữu của “Book and Bed”, gọi chuỗi khách sạn của mình là “khách sạn kén nhộng được cập nhật” với những kinh nghiệm xã hội. So Rikimaru giới thiệu: “Bạn đến đây vì bạn muốn thay đổi khung cảnh hoặc tâm trạng. Bạn không thể làm điều đó tại khách sạn Ritz-Carlton. Chúng tôi đưa mức giá rẻ. Bạn có thể kết bạn. Nơi này là duy nhất vì chúng tôi có những khách hàng này”.
Rimimaru cho biết 40% khách của ông là khách du lịch trong nước, 40% là từ nước ngoài và 20% là cư dân Tokyo. Cho đến nay, ngành khách sạn Nhật Bản vẫn còn tương đối ít bị ảnh hưởng bởi Airbnb vì sự kiềm chế nghiêm ngặt của chính phủ mà chỉ mới được giảm nhẹ gần đây. Rauch nhận định: “Nhật Bản đã theo dõi những diễn biến ở các nước khác – họ biết đây là điều cần phải xem xét nghiêm túc”. Và Rauch tin rằng các cách thức mà Nhật Bản sử dụng không gian và thích nghi truyền thống với một thời kỳ hiện đại là điều mà các quốc gia khác có thể học hỏi về việc tạo sự khác biệt hoặc về sự cạnh tranh với các dịch vụ cho thuê ngắn hạn.
Tại chuỗi khách sạn Book and Bed Tokyo, khách có vẻ thích thực tế là chuỗi này mang đến trải nghiệm độc đáo mà bạn không thể có được ở Airbnb, ở khách sạn thấp cấp và khách sạn thông thường. Và những nơi như thế này – sành điệu hơn khách sạn thấp cấp, rẻ hơn khách sạn thông thường và với các yếu tố thuần túy Nhật Bản – có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nền kinh tế khách sạn sau khi sự bùng nổ Olympic kết thúc. Eri Betsui, 34 tuổi, làm việc trong một cửa hàng điện thoại di động và sống ở quận Tochigi, cách Tokyo khoảng 100km về phía bắc, đang làm thủ tục nhận phòng tại Book and Bed cho kỳ nghỉ một mình. Eri Betsui nói cô đặc biệt tìm kiếm chỗ ở như thế này khi đi du lịch. Eri Betsui chia sẻ: “Tôi thường không ở một khách sạn thông thường – Tôi luôn luôn muốn ở một nơi độc đáo. Nơi mình ở là một phần của chuyến đi”.