Sau gần hai năm đóng cửa, Nhà hát 5B Võ Văn Tần đã trở lại với khán giả TP.HCM vở kịch Giấc mơ được đạo diễn Thái Kim Tùng dựng từ kịch bản thơ cùng tên của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Vở kịch được diễn ra tại Nhà hát Thành phố vào đêm 26-10 và đã đem lại cho tất cả những người tham dự một niềm cảm động.
Cảm động vì trong thời điểm các sân khấu kịch đang gặp khó khăn đủ điều thì bỗng nhiên 5B và nghệ sĩ Mỹ Uyên “vùng lên” ra mắt một vở kịch với sự đầu tư lớn về kinh phí và sức lực… dù có thể chỉ diễn một, hai suất. Cảm động vì đã lâu lắm rồi nhiều người đã quen với không khí buồn tẻ của sân khấu thành phố, đêm đó khán giả được thưởng thức một vở kịch trong một không gian sang trọng, có tiệc nhẹ, có gặp gỡ chúc mừng… một sự kiện sân khấu thật sự. Cảm động vì sự cố gắng hết mình của tất cả những người tham gia vở diễn để kể câu chuyện cho khán giả một cách tốt nhất – ai cũng dễ dàng nhận thấy điều đó trong đêm diễn của họ.
Giấc mơ là một vở kịch mang tính thể nghiệm trong việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật từ cải lương, kịch nói, múa đương đại… và đem cả dàn nhạc dân tộc diễn trực tiếp tại sân khấu. Vở kịch là cuộc đối thoại giữa phần hồn của anh lính vừa trở về sau chiến tranh trong tình trạng thập tử nhất sinh và thần chết. Trong giấc mơ của mình, anh lính thấy gì? Thần chết với chiếc lưỡi hái và chiếc đồng hồ quen thuộc của mình đến đưa anh đi về cõi vĩnh hằng. Anh lính dùng dằng vì anh vẫn rất yêu cuộc sống này. Thần chết cho anh gặp những nhân vật lừng lẫy trên thế giới: Tần Thủy Hoàng – biểu tượng của quyền lực, nữ hoàng Cleopatra – biểu tượng của sắc đẹp… tất cả rồi cũng gục ngã dưới lưỡi hái của thần chết thôi. Anh lính biết điều đó nhưng đi về phía thần chết lúc này là chưa phải lúc. Tiếng quê hương anh đang gọi. Nơi đó có những người mẹ già, những em bé và cả những người con gái mong ngóng người yêu trở về. Vừa làm xong trách nhiệm người lính với đất nước, anh còn phải làm trách nhiệm của một người đàn ông với người thân và quê nhà. Thần chết phong thánh cho anh lính nhưng anh nói mình chỉ là một con người bình thường, hành xử theo cảm xúc của trái tim, làm những điều cần làm và không cần ngã xuống trong tiếng tụng hô của bất kỳ ai.
Âm nhạc là phần tốt nhất của Giấc mơ, giúp đẩy cảm xúc của khán giả lên rất nhiều. Khán giả đã lặng người đi trong tiếng trống thúc giục đoạn bà mẹ đưa con lên đường, đã thấy buồn vô hạn khi tiếng đàn nhị, tiếng kèn bầu nổi lên khi hồn anh lính đi qua những xác chết. Dàn nhạc dân tộc đã làm rất tốt phần việc của mình. Phục trang cũng là một điểm cộng của vở diễn, với chất liệu thô mộc màu xám đẹp thanh thoát, rất dân tộc góp phần làm cho dàn diễn viên phụ chỉ biểu diễn bằng hình thể thôi mà nhiều ấn tượng. Thủ vai thần chết, diễn viên Bạch Long cho thấy là một diễn viên quá nhiều kinh nghiệm, đài từ tốt, điệu bộ tốt. Anh diễn thoại, anh di chuyển trên sân khấu trong những động tác của nghệ thuật cải lương nhẹ nhàng như không. Mỹ Uyên, trong vai ngôi sao quê hương, diễn rất chừng mực mà vẫn lay động được cảm xúc của khán giả, chỉ có điều nếu chị diễn thoại bằng thơ tốt hơn nữa thì vai diễn sẽ tốt hơn rất nhiều. Có vài điều đáng tiếc của vở kịch, ánh sáng không làm cho khán giả thấy được biểu cảm trên gương mặt của diễn viên. Ngoại trừ đài từ của nghệ sĩ Bạch Long, các diễn viên còn lại Trung Dũng (phần hồn người lính), Lê Vinh (phần xác người lính), Minh Tiến (Tần Thủy Hoàng), Thu Hiền (Cleopatra)… đều làm cho khán giả nghe thoại không rõ ràng. Với sự cố gắng đã thấy thì những điều này chắc sẽ dễ dàng được khắc phục để diễn tốt hơn ở đêm liên hoan.
Để Giấc mơ được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Thành phố, ngoài nỗ lực của những nghệ sĩ hết mình vì vở kịch không thể không kể đến nỗ lực của Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên. Chị vận động từ gia đình, người quen, doanh nghiệp quen… để góp nhặt được gần ba trăm triệu đồng đầu tư cho vở diễn. Âm thanh, ánh sáng, phục trang… đều được các nơi hỗ trợ với giá ưu đãi. Sau một đêm bay bổng ở Nhà hát Thành phố, ê-kíp Giấc mơ lại trở về với thực tại, kinh phí đâu để đem vở diễn ra Hà Nội tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thể nghiệm lần 3? Không đủ tiền là phải ở nhà. Vì vậy, người đau đầu nhất là nghệ sĩ Mỹ Uyên, dù đau bệnh cả tháng nói không ra hơi nhưng vẫn tích cực gõ cửa từng nơi xin kinh phí để Giấc mơ không vụt tắt giữa chừng mà phải đến được với liên hoan sân khấu.
– Ảnh P.H.N