Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng kiểm tra thiết bị di động của họ trung bình 80 lần một ngày. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi họ cũng tìm đến thiết bị di động mỗi khi cần tìm một địa chỉ ăn uống.
Theo một nghiên cứu của Google, có tới 90% người tiêu dùng không hề có một thương hiệu nhà hàng cụ thể trong tâm trí khi bắt đầu tìm kiếm trên mạng, thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm những món ăn mà họ muốn hoặc những địa điểm ẩm thực “đang ở gần họ”. Và sự “thiếu trung thành” của người tiêu dùng cũng là một cơ hội lớn đối với các thương hiệu ẩm thực. Cho dù sở hữu một hay hàng ngàn địa điểm, các chủ thương hiệu vẫn có thể sử dụng thời điểm quyết định trên thiết bị di động để tác động đến sự lựa chọn của mọi người và đưa họ đến với điểm bán hàng.
Việc chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng không chỉ diễn ra qua trang web của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu, 85% tương tác với người tiêu dùng diễn ra trên những trang và ứng dụng không do thương hiệu sở hữu như Google, Facebook, TripAdvisor và Yelp. Điều đó có nghĩa là để có thể tăng doanh số, thương hiệu phải xuất hiện trước mắt người tiêu dùng khi họ tìm kiếm những trang này.
Dưới đây là những cách giúp thương hiệu ẩm thực tăng cường sự hiện diện trên thiết bị di động và chiếm được khách hàng:
Quản lý dữ liệu vị trí nên là một ưu tiên
Ba hoạt động trực tuyến có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả bán hàng và hiệu quả thương hiệu là: đánh giá trên “Google My Business”, tính năng dẫn đường và dẫn đến website của thương hiệu. Nhưng cả ba hoạt động này có thể “gây hại hơn là có lợi” nếu không quản lý kỹ dữ liệu vị trí. Doanh nghiệp cần liệt kê đầy đủ từng địa điểm, có chỉ dẫn chính xác để giúp thực khách dễ dàng đến được nơi cần đến và họ cũng được dẫn đến một trang web cập nhật.
Tối thiểu, danh sách địa điểm phải bao gồm địa chỉ, giờ hoạt động và số điện thoại. Khi doanh nghiệp sở hữu nhiều địa điểm, việc quản lý thông tin có thể biến thành “cơn ác mộng”. Doanh nghiệp không thể xác lập thông tin rồi “bỏ đó” mà không điều chỉnh khi có thay đổi. Những thương hiệu sở hữu nhiều địa điểm có thể cần đến một đối tác đáng tin cậy để giúp họ quản lý dữ liệu vị trí.
Đầu tư vào sự hiện diện trực truyến
Để thu hút nhiều khách hàng hơn và chiếm ưu thế trong kết quả tìm kiếm, thương hiệu cần phải đầu tư xa hơn những bước cơ bản. Với từng địa điểm, cần thêm thực đơn, ảnh được gắn thẻ địa lý, mô tả thuyết phục về doanh nghiệp, công cụ định vị cửa hàng trên trang web chính và các trang “landing page” cho từng địa phương. Những thông tin này cần hấp dẫn và rõ ràng. Chẳng hạn, nếu một thực khách đang tìm thông tin về các bữa ăn hữu cơ, có thể họ sẽ muốn bấm vào một địa chỉ có kèm thực đơn và thông tin miêu tả hơn là một địa chỉ không hề có thông tin. Cũng theo Google, các địa chỉ có đi kèm hình ảnh nhận được hơn 35% “click” đến trang web của doanh nghiệp so với những địa chỉ không có hình ảnh.
Khi xây dựng sự hiện diện trực tuyến, cần “bao phủ” tất cả các hệ thống quan trọng gồm Google Maps, Facebook, TripAdvisor… Từng trang cần phải nhất quán trên các hệ thống cũng như nhất quán với website của doanh nghiệp và công cụ định vị cửa hàng tại trang của doanh nghiệp. Khi thể hiện chính xác trên nhiều hệ thống khác nhau thì kết quả tìm kiếm cũng sẽ tốt hơn – nghĩa là có nhiều khách hàng tiềm năng sẽ thấy được thương hiệu khi tìm kiếm.
Quản lý danh tiếng thương hiệu trên kênh trực tuyến
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 91% người tham gia khảo sát thường xuyên hoặc đôi khi đọc những lời nhận xét dành cho doanh nghiệp địa phương trên kênh trực tuyến và 84% tin vào những nhận xét này cũng tương tự như tin vào các lời giới thiệu cá nhân. Điều này có nghĩa là kết quả đánh giá, nhận xét và lời giới thiệu trực tuyến có thể làm tăng khả năng chiếm được khách hàng. Cần chủ động quản lý lời nhận xét bằng cách trả lời cả nhận xét tốt và xấu. Bằng cách này, thương hiệu có thể “chuyển xấu thành tốt” và trở nên nổi bật trong cuộc cạnh tranh, cải thiện sự hiện diện của địa điểm bằng những nhận xét tốt hơn và nhiều sao hơn.