Nếu ăn một miếng dứa (thơm) vào những ngày nóng nực này, ta đã có trải nghiệm sang chảnh mà cách đây nhiều thế kỷ, chỉ có bậc đế vương hay người quyền quý cao sang mới dám mơ tới.
Vài trăm năm trước, sở hữu một quả dứa với dân châu Âu cũng giống như sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Rolex hay một chiếc xe Rolls Royce thời nay.
Bề ngoài giống thông, bên trong như táo
Dứa xuất hiện và được trồng khắp nơi từ lâu ở những vùng đất Nam Mỹ ngày nay thuộc lãnh thổ Brazil và Paraguay, trước khi du nhập đến vùng Caribê. Ở đó, chúng được gọi là ananas, nghĩa là “quả tuyệt vời”.
Dân châu Âu biết đến quả dứa nhờ Christopher Columbus mang chúng cùng với vô vàn thức ngon vật lạ khác về Tây Ban Nha sau hải trình lần thứ hai khám phá Tân Thế Giới năm 1493.
Trong mắt dân châu Âu lúc bấy giờ, thứ quả từ “thế giới mới” trông thật kỳ quặc: phần chóp như quả thông, vỏ lởm chởm, cùi bên trong thì chắc như quả táo.
Theo bài viết “Pineapples; yesterday’s Rolex” (Dứa – Rolex của ngày hôm qua) trên trang Medium, ngoài vẻ ngoài độc đáo, quả dứa còn có thể là thứ ngọt và ngon nhất mà nhiều người châu Âu từng ăn, trong bối cảnh đường là mặt hàng xa xỉ vào thời bấy giờ, những loại trái cây cung cấp vị ngọt tương đương thì lại khan hiếm vì được trồng theo mùa.
Thức quả thể hiện địa vị
Từ Tây Ban Nha, các nước châu Âu khác dần được biết đến dứa, và nó nhanh chóng được mệnh danh là “vua trái cây”, trở thành một biểu tượng của uy quyền.
Nhưng dứa rất đắt vì cầu cao mà cung lại thiếu. Những người làm vườn kiệt xuất nhất châu Âu loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra phương pháp trồng loại trái cây nhiệt đới này trong điều kiện khí hậu ôn đới. Dân châu Âu chỉ có thể dùng dứa nhập từ bên kia Đại Tây Dương, sau một hải trình dài đằng đẵng và luôn khiến đa số sản phẩm không hư thối thì cũng bầm giập.
Hà Lan là quốc gia đầu tiên ngoài châu Mỹ trồng dứa thành công bằng việc xây dựng được các nhà kính mô phỏng khí hậu nóng ẩm xứ nhiệt đới đầu tiên trên thế giới vào năm 1682. Người Hà Lan đã đi trước người Anh một bước; nhà kính trồng dứa chỉ xuất hiện ở Anh vào giữa thế kỷ 17.
Dù vậy, dứa trồng bản địa có sản lượng rất thấp, chi phí lại cao, nên giá đến tay người tiêu dùng cũng trên trời – mỗi quả tương đương 5.000 bảng Anh ngày nay – chỉ ai cực kỳ giàu hay giới quý tộc, hoàng gia mới dám mua.
Vua Charles II của Vương quốc Anh đã thết đãi đại sứ Pháp trong cuộc gặp nổi tiếng lịch sử vào năm 1668 với một quả dứa mà ông sai người đưa về từ đảo quốc Barbados (bấy giờ thuộc quyền cai trị của Anh).
Nhà vua cho bài trí quả dứa chễm chệ trên tất thảy những loại trái cây khác như một lời khẳng định ai mới là người cai quản nhiều thuộc địa nhất, và vì vậy, sở hữu loại trái cây kỳ lạ nhất thế giới mà rất ít người châu Âu từng nhìn thấy lúc bấy giờ. Ông còn đặt vẽ một bức tranh họa lại cảnh một người làm vườn hoàng gia dâng cho ông một quả dứa.
Lần lượt các chế độ quân chủ khác như vua Louis XV của Pháp và Nữ hoàng Nga Catherine Đại đế đều yêu thích quả dứa. Cũng từ đó, dứa bắt đầu tượng trưng cho sự giàu sang và địa vị cao trong xã hội.
“Lục địa già chưa từng biết đến quả dứa trước đó… điều này cho phép mọi người gán ghép những ý nghĩa mới cho nó” – tiến sĩ Lauren O’Hagan từ Trường Anh ngữ, truyền thông và triết học thuộc Đại học Cardiff nói với BBC, lý giải việc quả dứa tượng trưng cho địa vị thời bấy giờ.
Thuê dứa đi tiệc
Tại các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 18, nơi quả dứa được nhập từ Caribê và có giá tương đương 8.000 USD ngày nay, cũng được xem là biểu tượng của sự sang cả không kém bên châu Âu.
Với đại đa số dân chúng thời bấy giờ, dứa là để khoe chứ không phải để ăn. Ai cũng khao khát có được thức quả khó khăn lắm mới còn nguyên vẹn sau những chuyến hải trình từ quần đảo Caribê, nhưng nếu may mắn có dứa thì phải dùng chúng để trưng bày, trang trí cho đến khi gần hỏng mới chịu ăn. Các nhà thuộc địa giàu có thường mở tiệc tùng và đặt dứa ở vị trí trung tâm nhất, đập ngay vào mắt khách khứa, để chứng tỏ sự giàu có và cả lòng hiếu khách.
Chỉ có giới thượng lưu thời bấy giờ mới có thể chi trả nổi chi phí đắt đỏ để nhập khẩu dứa. Người bình dân hầu như không có cơ hội được tận tay sờ quả dứa chứ đừng nói là ăn thử xem vị nó ra sao. Nhưng tầng lớp trung lưu thì có thể. Cách của họ là đi thuê.
- Xem thêm: Giai thoại thú vị về các trái cây
Nghe thật khó tin nhưng cửa hàng cho thuê dứa nở rộ khắp nước Anh vào thời bấy giờ. Người người thuê dứa, nhà nhà thuê dứa để đi tiệc, nhưng không phải tặng gia chủ mà để chứng tỏ ta đây cũng chi nổi cho quả dứa xa xỉ, dù giá thuê cũng chẳng hề rẻ. Một quả dứa được cho thuê đi thuê lại nhiều lần đến khi tàn tạ thì mới gọt ra ăn.
Những ai không mua hay thuê nổi quả thật sẽ tìm mua chén đĩa, bình trà hình quả dứa – dòng sản phẩm rất phổ biến vào những năm 1760, theo trang Mental Floss. Đó chỉ là một phần của thị trường ăn theo quả dứa bùng nổ lúc bấy giờ, gồm cả chén bát, khăn trải bàn, khăn ăn tô điểm bằng quả dứa phủ sóng, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc từ bàn ăn sang các không gian khác trong mọi gia đình Anh. Ngoài trời, những cây cột và nhiều tiểu cảnh trong vườn cũng được chế tạo theo hình quả dứa.
Đến thế kỷ 18, nghề trồng các loại cây quý hiếm như quả dứa được xem như một thú tiêu khiển cao quý, sánh ngang với việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật. Ở Anh thậm chí xảy ra “cơn sốt dứa” vì sự khan hiếm và đắt đỏ của nó. “Được cả các bậc đế vương lẫn giới quý tộc ưa chuộng, quả dứa là biểu tượng của sự hiếu khách đầy xa hoa và được tụng ca bằng hội họa, văn chương và âm nhạc” – trang artuk.org nhận xét.
Dứa là chủ đề của các môn nghệ thuật, thường xuyên được trưng bày tại những cuộc triển lãm cho đến tận đầu những năm 1900. Nhưng di sản để lại từ cơn sốt dứa mà người thời nay cảm thấy kỳ lạ nhất có lẽ là những công trình kiến trúc hình quả dứa. Ở Scotland, bá tước Dunmore đã xây một ngôi nhà mùa hè có tên là Pineapple (Quả dứa), nơi ông có thể ngắm nhìn toàn bộ khu đất rộng lớn của mình, trồng rau và tất nhiên cả dứa.
Đánh mất vị thế
Quả dứa duy trì vị thế của nó cho đến khi tàu thủy bắt đầu chở dứa thường xuyên từ các thuộc địa của Anh về mẫu quốc. Nguồn cung khai thông, giá ắt giảm. Lúc này, không chỉ giới trung lưu mà cả tầng lớp lao động cũng có thể mua dứa, đây là nỗi kinh hoàng, hay đúng hơn là một điều sỉ nhục với giới quý tộc và hoàng gia.
“Thứ từng là một thức quả xa xỉ giờ lại có thể dễ dàng mua được với giá rẻ trên các quầy và xe đẩy ở hầu hết các thị tứ khắp nước” – tiến sĩ O’Hagan nói với BBC. Ăn dứa không còn là đặc quyền của giới quý tộc giàu sang, và địa vị sang cả của loại trái cây này cũng mất đi từ đó.
Người góp phần quan trọng giúp bình dân hóa quả dứa là nhà tư bản công nghiệp người Mỹ James Dole. Dole xây dựng một trang trại trồng dứa Lana’i ở Hawaii với tham vọng phân phối dứa theo quy mô lớn năm 1900. Công ty Hawaii Pineapple của Dole sau này trở thành Công ty Dole Food và thành công vang dội.
Suốt 7 thập kỷ, trang trại Lana’i sản xuất hơn 75% sản lượng dứa trên thế giới. Dole cũng là người tiên phong sản xuất các sản phẩm dứa đóng hộp. Ước tính Hawaii Pineapple cho ra đời hơn 104 triệu hộp dứa đóng lon trong năm 1930, theo trang Jamaica Plain Historical Society.
Cũng từ đó, Dole được mệnh danh là “vua dứa”. Dole Food hiện là một trong những nhà sản xuất rau, củ, quả lớn nhất trên thế giới.
Theo tiến sĩ O’Hagan, vẻ ngoài kỳ lạ của quả dứa khiến người mới thấy loại trái cây này lần đầu liên hệ nó với những yếu tố thần kỳ, có người ví nó như chiếc vương miện vàng biểu trưng cho quyền thiêng liêng của nhà vua.
Điều thú vị là bên kia bờ Đại Tây Dương, quả dứa lại biểu trưng cho sự hiếu khách. Giai thoại kể rằng sau mỗi chuyến hải trình đến vùng Caribê trở về an toàn, những thủy thủ người Mỹ sẽ treo những quả dứa trước cổng như một lời thông báo và mời gọi bạn bè ghé nhà chơi. Tập tục này khiến quả dứa được xem như biểu tượng của sự hiếu khách trên đất Mỹ.