Thủ tục rườm rà, thiếu đơn vị được chỉ định thử nghiệm… trong quy định dán nhãn năng lượng hiện nay đang khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc vì gặp khó khăn và tốn kém chi phí.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) về dự thảo Thông tư 07 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị. Thông tư này bắt buộc các doanh nghiệp phải dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng nhập khẩu, bất chấp các sản phẩm này đã được kiểm định và được cấp chứng nhận toàn cầu đang khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận chỉ có giá trị theo lô hàng, doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lô hàng sản phẩm giống nhau sau sáu tháng vẫn phải thử nghiệm lại khiến doanh nghiệp mất thời gian và tốn kém rất nhiều chi phí.
Một doanh nghiệp tại khu vực phía Nam nhập động cơ điện cho biết họ đã mất đến ba tháng nhưng vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục dán nhãn hiệu suất năng lượng. Để thực hiện thử nghiệm, họ phải mang hàng ra tận Hà Nội.
Tuy nhiên, do thủ tục chồng chéo, hạ tầng thử nghiệm của Việt Nam còn hạn chế… khiến doanh nghiệp này loay hoay hơn ba tháng, hàng vẫn chưa được dán nhãn khiến việc sản xuất bị đình trệ. Hiện nay, Bộ Công thương chỉ định Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) là đơn vị duy nhất đủ điều kiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng động cơ. Thế nhưng theo nhiều doanh nghiệp phản ánh, bản thân Quatest 1 không đủ khả năng thực hiện thử nghiệm này mà nhờ nhà máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh – Hà Nội) thực hiện khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian đi lại và tốn kém chi phí.
Hiện nay, Bộ Công thương và Tổng cục Năng lượng đang rà soát để soạn thảo sửa đổi Thông tư 07 theo hướng gỡ khó các thủ tục dán nhãn năng lượng cho doanh nghiệp. Để đơn giản hóa thủ tục, VCCI đề xuất, Tổng cục Năng lượng cần tập trung sửa đổi các quy định có liên quan về trình tự, thủ tục thử nghiệm, dán nhãn để giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan quản lý nên thực hiện kiểm tra với lô hàng đầu tiên, nếu đạt thì Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ được cấp cho mọi sản phẩm cùng nhãn hàng (model) chứ không phải cho từng lô hàng, chỉ khi có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật của mặt hàng đó thì kiểm tra lại. Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị bổ sung quy định về hậu kiểm hàng hóa trên thị trường bằng cách chọn kiểm tra ngẫu nhiên một sản phẩm được lưu thông trên thị trường, nếu kết quả không phù hợp với nhãn năng lượng được dán thì mới thực hiện kiểm tra với số lượng mẫu lớn. Hiện nay, giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng có thời hạn ba năm cũng là một quy định không cần thiết vì đã có khâu hậu kiểm, cần được bãi bỏ để tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc yêu cầu dán nhãn năng lượng là đúng bởi nhiều nước đã áp dụng từ hàng chục năm trước nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quy định này chỉ hợp lý khi áp dụng được vào trong thực tế nếu Việt Nam có đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật để đánh giá, kiểm tra. Với những động cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn đã được kiểm định, chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế thì việc kiểm định và dán nhãn là không cần thiết. Về vấn đề này, VCCI đề nghị Bộ Công thương sớm công nhận nhãn năng lượng của nước ngoài, kết quả thử nghiệm của các tổ chức nước ngoài.