Nhóm tám họa sĩ là giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Hòa Bình (Hà Nội)(*) đang có triển lãm chung “Thu Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 19-9 đến 30-9-2013).
Cách đây hai năm, cũng vào những ngày Hà Nội chớm thu, nhóm tám họa sĩ đến từ thủ đô, gồm: Nguyễn Xuân Lân, Nguyễn Văn Hà, Tào Thị Lan Hương, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Thành Công, Tân Đình Trường, Vũ Xuân Hiển, Phạm Chính Trung đã có triển lãm cũng mang tên “Thu Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố.
Lần này, triển lãm “Thu Hà Nội” cũng giới thiệu tranh của tám họa sĩ sống và làm việc tại thủ đô, nhưng trừ Phạm Chính Trung và Tào Thị Lan Hương, sáu người còn lại là những khuôn mặt mới: Nguyễn Đăng Dũng, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Trọng Chiến, Phan Quang Tuấn, Vũ Thanh Nghị và Nguyễn Hữu Sự. Thuộc nhiều thế hệ nhưng điểm nối kết họ với nhau là tất cả đều đang giảng dạy hoặc làm công tác quản lý tại khoa Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Hòa Bình – trường đại học tư thục được thành lập từ năm 2008, hiện cơ sở vật chất, trường sở đặt tại khu đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Dù tên gọi triển lãm là “Thu Hà Nội”, nhưng cũng giống như lần I, triển lãm năm nay cũng đa dạng về đề tài, được các tác giả lấy cảm xúc từ cuộc sống và con người miền Bắc, đặc biệt là các tranh phong cảnh chiếm số lượng lớn, được vẽ từ các chuyến đi thực tế xa và gần, nhiều nhất vẫn là phong cảnh vùng cao Tây Bắc vào những tháng ngày đẹp nhất trong năm, khi hoa ban, hoa đào nở rộ đón mùa xuân hay lúc lúa chín vàng trên các ruộng bậc thang. Cùng vô số là hoa và hoa, những bức tĩnh vật hoa được thể hiện bằng nhiều thủ pháp, nhiều loại chất liệu, đem lại sự tươi tắn cho một phòng tranh lớn, chiếm trọn tầng trệt của khu triển lãm mới.
Là những thầy cô giảng dạy mỹ thuật, nhóm tác giả cho thấy sự chắc tay của họ về mặt hình họa, kỹ thuật vững vàng trong xử lý chất liệu tạo hình, nhất là với mảng tranh sơn mài chiếm một số lượng đáng kể và có nhiều bức kích thước lớn của các họa sĩ Phạm Chính Trung, Phan Quang Tuấn. Loạt tranh vẽ sen của họa sĩ Tào Thị Lan Hương, bộ tranh Bốn mùa của họa sĩ Trần Trọng Chiến lấy cảm hứng từ các họa tiết thổ cẩm của người dân tộc thiểu số vùng cao gây được ấn tượng nơi người xem. Và đáng chú ý là mảng tranh khắc gỗ trên giấy của họa sĩ Nguyễn Đăng Dũng, người thuộc thế hệ chân truyền cuối cùng của dòng họ Nguyễn Đăng nổi tiếng về tranh khắc gỗ ở làng tranh Đông Hồ. Ông đã đem đến triển lãm một loạt tranh giấy khổ nhỏ vẽ thiếu nữ Bắc Ninh và những tranh hoa hai màu đen trắng đơn giản nhưng thật nhuần nhị trong cách vẽ.
Triển lãm không chỉ là cơ hội giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè phương Nam mà còn là dịp tám tác giả “tiếp thị” cho ngôi trường đại học còn khá mới mẻ của họ với công chúng phía Nam.
(*) Trường gồm các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Tài chính – ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quan hệ công chúng và truyền thông (PR), Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc xây dựng. Hiện trường có khoảng 3.000 sinh viên.
- Như Hoa