Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cùng Hội Hang động núi lửa Nhật Bản ngày 26-12-2014 đã công bố một trong những di sản địa chất độc đáo và có giá trị được phát hiện trong thời gian qua: hệ thống hang động núi lửa tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là kết quả bảy năm nghiên cứu do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản.
Hệ thống hang động núi lửa tại xã Buôn Choah bao gồm nhiều hang động lớn nhỏ khác nhau. Hiện tại, đoàn đã khảo sát được ba hang động được xếp theo ký hiệu C7, C3 và A1, trong đó C7 là hang núi lửa dạng ống với chiều dài 1.066,5m. TS Hiroshi Tachihara – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản cho biết với chiều dài 25km, đây có lẽ là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á. Trong hang có nhiều cấu trúc đặc trưng của quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm, mang nhiều giá trị cả về mặt nghiên cứu khoa học lẫn du lịch.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Địa chất và Hội Hang động núi lửa Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc các thông số của các hang động còn lại, tìm hiểu đặc điểm phân bố cũng như cơ chế hình thành, đánh giá tổng thể những giá trị liên quan tới hệ thống hang động.
Được biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpôk thành một công viên địa chất toàn cầu, đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác phát triển du lịch.
Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản nhận định rằng hệ thống hang động núi lửa Buôn Choah về cơ bản hội đủ các yếu tố để xây dựng công viên địa chất quốc gia và nên chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đó là công viên địa chất toàn cầu.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)