Phòng tranh với tên gọi “Mắt xích”, giới thiệu tác phẩm của nhóm họa sĩ trẻ thế hệ 8X xuất thân từ Đại học Nghệ thuật Huế là một nỗ lực tìm kiếm những gương mặt mới, hiện đại của gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 11-2014).
Thông điệp được nhóm bạn trẻ gửi gắm qua triển lãm “Mắt xích” là: “Xã hội được cấu thành bởi nhiều “mắt xích” gắn kết với nhau – những mối dây liên hệ giữa con người với con người. Mỗi mắt xích là một cá thể riêng biệt, là một câu chuyện xã hội được hình thành thông qua phản ứng cá nhân trước những tác động của môi trường chung quanh; nó luôn vận động trong một thể thống nhất, tiếp nhận, phản ứng, gắn kết với nhau nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển tốt hơn”. Cách diễn đạt thông điệp “Mắt xích” ở Đỗ Như Trần Ngọc Tuấn (sinh năm 1985), Nguyễn An (1987), Lê Trường Thanh (1988), Nguyễn Phạm Đình Tuấn (1987), Trương Thế Linh (1989) mỗi người một cách, có người thì bằng ngôn ngữ gần như siêu thực, người khác lại ngả sang nửa trừu tượng hay có phần biểu hiện.
Chùm tranh có tên Áng mây xưa của Nguyễn An nghe thật văn vẻ, đầy tính hoài cảm, ngỡ mơ màng hình ảnh cố đô song họa sĩ muốn thể hiện những kẻ cứ mãi đắm chìm trong quá khứ vàng son, trong khi cuộc sống hiện tại thì ích kỷ, tự mãn và chẳng hề quan tâm đến ngày mai của cộng đồng. Những chân dung bạc nhược ấy được vờn tỉa bằng sắc màu chói gắt, đậm tính hiện đại. Trong khi đó, Linh hồn và thể xác, Đêm và Vô định – những tranh khổ lớn kiệm màu của Trương Thế Linh một lần nữa nói lên những nỗi khắc khoải, trầm tư của con người hôm nay trước bao bất trắc, tai ương có thể đến bất kỳ lúc nào hay những khoảng trống vắng trong tâm hồn – những gì đã được anh diễn đạt trong tranh tại triển lãm “Gió Lào” năm trước cũng tại địa chỉ mỹ thuật này.
Đỗ Như Trần Ngọc Tuấn lấy cảm hứng từ cặp tương phản ánh sáng – bóng tối mà theo anh là một “cuộc chơi ngẫu hứng của Tạo hóa, khi tách biệt, khi hòa quyện, và để tìm thấy ánh sáng ấm áp nảy sinh từ những sự sống nhỏ bé trên Trái đất thì phải tìm cách vượt qua bóng tối”. Với những Góc khuất, Khoảng trống và Dư âm, Nguyễn Phạm Đình Tuấn đi vào một thế giới của những hiện hữu còn nhiều khuất lấp, còn nhiều điều chưa được giải bày triệt để về thân phận người. Còn mảng tranh của Lê Trường Thanh lại đi vào cuộc sống cụ thể mà con người phải đối mặt hằng ngày nơi công cộng, thế nhưng không phải ai cũng lưu tâm đến những hình ảnh, những ký hiệu có khi thật kỳ quặc ấy trong sinh hoạt tại các đô thị lớn hôm nay…
Trong số năm họa sĩ tại triển lãm “Mắt xích” thì Trương Thế Linh và Nguyễn An đã có mặt tại triển lãm “Gió Lào” (tiếc là một họa sĩ của phòng tranh “Gió Lào” là Nguyễn Văn Tùng dù đã gửi tranh tham gia phòng tranh “Mắt xích” nhưng đã bị “rớt” vì không qua được khâu duyệt tranh của cả Sở Văn hóa – Thể thao lẫn Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).
- Y Chiêu