Mặc dù chúng ta vẫn quan niệm rằng “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” và chuyên môn hóa là điều cần thiết, thế nhưng nhiều người được coi là thú vị nhất thế giới lại là người toàn năng. Họ hiểu biết đủ sâu về những đề tài khác nhau. Leonardo Da Vinci là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà phát minh, kỹ sư, nhà thiên văn học, sinh học và còn nhiều lĩnh vực nữa. Julie Taymor là một đạo diễn sân khấu, opera và phim; bà còn là một diễn viên, người viết kịch bản và nhà thiết kế phục trang đã chuyển thể thành công phim The Lion King sang nhạc kịch Broadway.
Trong một bài viết trên Entrepreneur, Aytekin Tank – nhà khởi nghiệp, nhà sáng lập Công ty JotForm cho rằng trong tương lai những người sáng tạo, hiểu biết về nhiều lĩnh vực sẽ đóng vai trò quan trọng, hình thành các làn sóng mới trong kinh doanh, khoa học và nghệ thuật. Ý tưởng về “người Phục hưng” hay người toàn năng xuất hiện trong suốt thời kỳ Phục hưng – nói đến những người xuất sắc cả về thơ văn, khoa học, toán học, thẩm mỹ học và bất cứ lĩnh vực nào mà họ quan tâm.
Các nhà tư tưởng thời Phục hưng nhìn nhận tiềm năng của cá nhân cũng như giá trị to lớn của sự hiểu biết rộng, đa dạng. Nhưng qua thời gian, khái niệm này mất đi sức hút văn hóa của nó và chúng ta bắt đầu ca ngợi những người có chuyên môn sâu.
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và nhược điểm của sự chuyên môn hóa
Thời gian gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tiếp tục phát triển rất nhanh. Các chuyên gia dự đoán nhiều việc làm sẽ biến mất. Những vai trò còn lại cần đến bàn tay, khối óc của con người sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và sự sắc bén về mặt cảm xúc. Đến một lúc nào đó, tương lai của AI có thể giống như khoa học viễn tưởng, nhưng chúng ta cũng đã từng trải qua sự dịch chuyển như thế trước đây.
Trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp, máy móc đã thay thế nhiều việc làm tay chân. Khi mà nhu cầu lao động thể chất giảm, những công việc mới xuất hiện đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược và chuyên môn kỹ thuật. Điều đó đang lặp lại, nhưng hiện nay những công việc được gọi là “cổ cồn trắng” – liên quan đến hành chính, quản trị và chuyên ngành sẽ dần biến mất cùng với sự xuất hiện của những vai trò mới – kết hợp kiến thức chuyên môn với kỹ năng công nghệ.
Theo Toby Walsh, giáo sư về trí tuệ nhân tạo ở Đại học New South Wales: “Trong vòng 50 năm đến 100 năm nữa, máy móc sẽ là những siêu nhân. Rất khó để hình dung những công việc mà con người còn có thể làm giỏi hơn máy móc”. Không lâu nữa, mọi lĩnh vực sẽ kết hợp với công nghệ để thay thế những ngành nghề quen thuộc. Trong bối cảnh đó, thế giới sẽ cần đến những người “đa tài, toàn năng”.
Thật ra, trong nhiều thập niên qua, những phát kiến lớn nhất của nhân loại đều đến từ các nhà tư duy đa diện, chứ không phải từ các nhà chuyên môn sâu. Theo nhà khoa học đoạt giải Nobel Francis Crick, chính nền tảng vật lý đã giúp ông phát hiện cấu trúc phân tử ADN và mã di truyền cho dù các nhà sinh học tuyên bố rằng vấn đề này là không thể giải quyết.
Hàng trăm ví dụ tương tự cho thấy rằng sự chuyên môn hóa trong phạm vi hẹp có thể triệt tiêu khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Nhưng, đó chính là điều mà thế giới hiện đại ngày nay cần đến – chúng ta cần những người có thể giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến mọi thứ từ giao thông cho đến thiết kế và khoa học môi trường.
Chuyên môn hóa cũng có một nhược điểm khác, điều mà chúng ta gọi là định kiến nhận thức. Khi quen dựa vào những mô thức tư duy quen thuộc, chúng ta bỏ qua các giải pháp khả dĩ. Nhà sáng lập, nhà khởi nghiệp Kyle Wiens tin rằng chuyên môn hóa một cách cứng nhắc là không nên: “Chúng tôi khuyến khích các chuyên gia công nghệ học lập trình. Chúng tôi thậm chí còn mua một chiếc máy cắt laser để các nhà thiết kế học làm thợ. Chúng tôi đẩy họ ra khỏi phạm vi chuyên môn để giúp họ luôn học hỏi”.
Còn Aytekin Tank thì chia sẻ: ông tổ chức công ty của mình thành những nhóm nhỏ, xuyên chức năng. Mỗi nhóm hoạt động như một công ty độc lập, có thể tự ra quyết định và đặt ra thời hạn chót. “Một người toàn năng thật sự phát triển kiến thức sâu trong ít nhất hai lĩnh vực khác nhau. Với sự phát triển của AI, tôi hồ nghi rằng một trong hai lĩnh vực này chắc hẳn phải là công nghệ”, ông nói.
Làm thế nào để trở thành người toàn năng
Theo nguyên lý Pareto (nguyên lý 80/20), khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân tạo ra. Nguyên lý này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhưng nó thực sự hiệu quả khi chúng ta muốn cố gắng học hỏi, hiểu biết một điều gì đó mới mẻ. Chẳng hạn, tác giả, blogger nổi tiếng Benny Lewis khuyên những người học ngôn ngữ nên tập trung vào 300 từ phổ biến nhất khi học một ngôn ngữ mới. Những từ này đại diện khoảng 65% lượng từ vựng mà họ sử dụng trong bất cứ cuộc đàm thoại nào.
Jake Chapman, nhà sáng lập của Gelt Venture Capital thì cho rằng quá trình học hỏi diễn ra trong năm giai đoạn: người ngoại đạo, người bắt đầu, người học việc, người thạo việc, bậc thầy. Nếu như thông thường phải mất 20 năm để trở thành “bậc thầy”, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý 80/20 và đạt được 80% của trình độ cao nhất (tức là cấp độ người thạo việc) chỉ với 20% thời gian yêu cầu.
Chẳng hạn, nếu một người dành bốn năm chuyên sâu về thiết kế đồ họa để đạt đến trình độ “người thạo việc”, họ cũng có thể học thêm về sáng tác âm nhạc và kết hợp cả hai thành một bộ kỹ năng độc đáo. Chuyện này không dễ, nhưng nó sẽ dễ hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử. Những nền tảng như iTunesU, Khan Academy, Skillshare và edX có thể giúp mọi người học hỏi mọi thứ, ngay trên chiếc ghế dài thoải mái tại nhà mình.
Một điều rất rõ ràng là chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ thay đổi với tốc độ siêu tốc, vì thế, tất cả chúng ta cần đón nhận sự toàn năng từ trong nội tại. Những ai có thể kết hợp các kỹ năng độc đáo bằng những cách thức sáng tạo sẽ là người giải quyết vấn đề, cách tân đổi mới và lãnh đạo của tương lai.
– Tổng hợp