Trong ba tháng đầu năm nay mới có duy nhất thương vụ bán vốn tại Tổng công ty Viglacera (VGC).
Theo Bộ Tài chính, năm 2018 cả nước chỉ thoái vốn được ở 54/181 doanh nghiệp, theo danh mục quy định tại Quyết định số 1232//2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Điều này đồng nghĩa có tới 127 doanh nghiệp trễ hẹn thoái vốn trong năm qua. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ bị “dồn toa” và gây thêm áp lực lên kế hoạch phải thoái vốn tại 62 doanh nghiệp trong năm nay.
Trong hai tháng đầu năm 2019, không có thương vụ thoái vốn nào được triển khai. Tình trạng này tiếp diễn trong tháng 3, khi trong tổng số 62 doanh nghiệp nằm trong danh mục nhà nước thoái vốn mới chỉ có một thương vụ được triển khai.
Cụ thể, vào những ngày cuối cùng của tháng 3-2019, Bộ Xây dựng tổ chức phiên bán đấu giá thoái vốn hơn 805 tỉ đồng (hơn 80,5 triệu cổ phần), tương đương 17,9% vốn điều lệ tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (VGC), với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần. Kết quả, có ba nhà đầu tư mua 69 triệu đơn vị, với giá bình quân 23.000 đồng/cổ phần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái vốn nhà nước chậm. Nguyên nhân đầu tiên, mang tính khách quan có thể là do điều kiện thị trường chứng khoán không thật sự thuận lợi.
Tuy nhiên, các nguyên nhân mang tính chủ quan đóng vai trò quan trọng hơn. Điển hình như một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch thoái vốn.
Có những khoản vốn nằm trong danh mục nhà nước thoái (đang làm ăn hiệu quả), nhà đầu tư muốn mua thì lại chưa thoái.
Trong khi đó, nhiều khoản vốn nhà nước muốn thoái (làm ăn thua lỗ, không hiệu quả), nhà đầu tư không mặn mà nhưng lại được đưa ra chào bán, nên việc thoái vốn thất bại.
Điểm đáng chú ý là những thương vụ khó thoái vốn thường liên quan đến các doanh nghiệp nắm quyền khai thác nhiều đất đai, các dự án bất động sản có giá trị lớn.
Đánh giá của Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân có khoản vốn cần thoái mắc lỗi chồng lỗi.
Đầu tiên là lỗi tìm cách che giấu các khoản đầu tư thua lỗ bằng cách bắt các khoản thoái vốn phải gánh các khoản lỗ này, gây rủi ro cho nhà đầu tư nếu thông tin về đợt thoái vốn không được công khai kịp thời và trung thực. Lỗi tiếp theo là đẩy giá lên cao, khiến thương vụ thoái vốn thất bại.
Điều này không chỉ dẫn đến không hoàn thành kế hoạch thoái vốn mà còn có nguy cơ làm mất cơ hội thoái vốn tốt, đồng nghĩa với rủi ro giá trị thoái vốn bị giảm do tiến trình thoái vốn kéo dài.
Để khắc phục tình trạng chậm thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Trong đó tập trung xử lý các vướng mắc liên quan nhiều đến đất đai nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường.
Với những doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực mà chưa xác định giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiêp, nay chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần mà chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trường hợp giá đất tăng thì phải tính tăng phần vốn nhà nước đưa ra thoái.
Các trường hợp vướng mắc về đất đai hiện chủ yếu phát sinh do hồ sơ đất đai chưa được xử lý triệt để khi cổ phần hóa, trong đó liên quan nhiều đến việc chưa có đầy đủ hồ sơ xác định quyền sử dụng đất, nên không định giá được.
Để xử lý trường hợp này, đã có một số đề xuất tạm tính giá trị đất đai để thoái vốn nhưng điều này mang đến rủi ro thất thoát tài sản nhà nước lớn.
Điển hình như việc khu đất doanh nghiệp tạm tính là nhà kho, nhà xưởng, nhưng sau khi Nhà nước thoái vốn, doanh nghiệp mới chuyển đổi thành đất xây dựng khách sạn, khu đô thị có giá trị rất lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước.