Một trong những vướng mắc lớn nhất đối với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm.
Chậm so với kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, trong sáu tháng đầu năm 2018, mới có tám DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị các doanh nghiệp nói trên là 29.378 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.162 tỉ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DNNN.
Về hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong sáu tháng đầu năm, chỉ có năm đơn vị thực hiện thoái được 2.506 tỉ đồng vốn, thu về 6.458 tỉ đồng. Lũy kế đến nay mới chỉ có 16 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232 của Chính phủ là năm 2017 có 135 DNNN, năm 2018 có 181 DNNN phải thực hiện thoái vốn.
Như vậy, với những kết quả cụ thể nêu trên, nhìn chung tiến độ triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước hiện rất chậm, đều chưa đạt đến 10% kế hoạch và với tiến độ như thế này thì gần như chắc chắn sẽ không thể đạt được kế hoạch đề ra. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến nay, tổng số vốn nhà nước đã bán được rất ít, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tính đến ngày 31-12-2017).
Vướng mắc ở đâu?
Một trong những vướng mắc lớn nhất đối với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm. Các vấn đề liên quan đến đất đai thường gặp là: doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất, đất ở vị trí thuận lợi tại nhiều địa phương mà lại chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa.
Ngoài ra, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay còn khá chồng chéo và bất cập. Đơn cử, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định: “Khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, DNNN phải thuê ít nhất hai tổ chức tư vấn là công ty thẩm định giá (để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp) và công ty chứng khoán (để tổ chức bán cổ phần)”.
Điều này đã đẩy chi phí tư vấn của doanh nghiệp tăng thêm 2-3 lần so với trước đây. Một vướng mắc khác nữa là chưa có quy định cụ thể về việc xác định giá cổ phần. Nghị định số 32/NĐ-CP quy định: “Giá cổ phần phải tính đúng, tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, giá trị số tiền trả thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có)”. Tuy nhiên, do quy định đối với giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp chưa có nên việc định giá gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, quá trình bán vốn còn gặp vướng mắc do quy định vốn nhà nước phải đạt được hai mục tiêu: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược. Điều này đã tạo áp lực rất lớn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp và người ký quyết định bán vốn. Tương tự, hiện nay, việc có nhiều phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp và mỗi phương pháp sẽ đưa ra một kết quả khác nhau nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về chọn phương pháp định giá phù hợp cũng sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn.
Để hoàn thiện khung pháp luật về hoạt động thoái vốn, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần. Đồng thời, đồng bộ hóa giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cũng như thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với các tổ chức mua bán nợ, trong đó có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Thêm vào đó, cơ quan quản lý nên rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục cổ phần hóa và tăng thời gian từ khi doanh nghiệp công bố bản cáo bạch đến lúc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) lên 40 ngày thay vì 20 ngày như hiện nay để nhà đầu tư có thêm thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi tiến hành cổ phần hóa các DNNN, Chính phủ cũng cần xác định rõ mục tiêu về quyền sở hữu nhà nước là đầu tư, nắm giữ cổ phần hay thoái vốn. Đặc biệt, đối với các DNNN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, người đại diện vốn nhà nước không nên can thiệp vào các quyết định kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp, mà chỉ làm việc thông qua ban kiểm soát.