Thoái hóa khớp là bệnh lý do sự ăn mòn của lớp sụn của khớp, khiến 80% người bệnh bị hạn chế về vận động và 25% không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày. Trong đó, thoái hóa khớp háng chiếm một tỷ lệ không nhỏ nhưng chưa được chúng ta quan tâm đúng mức.
Bình thường các đầu xương của khớp háng được bọc bởi một lớp sụn. Lớp sụn này có vai trò nhằm giúp hấp thu bớt sự chấn động trong khớp khi bạn đi đứng. Tuy nhiên qua thời gian, do tuổi tác, do chấn thương hoặc do những yếu tố khác, lớp sụn bọc này bị bào mòn dần. Không có lớp sụn khớp này, các đầu xương của khớp háng sẽ ma sát với nhau khi chúng ta cử động, gây đau đớn, làm cứng khớp, thậm chí khiến chúng ta không bước đi nổi.
Trong đa số các trường hợp, người ta không biết rõ nguyên nhân chính xác của thoái hóa khớp háng. Tuy nhiên, hai yếu tố thường dẫn đến thoái hóa khớp háng nhất là do lão hóa và thừa cân. Độ tuổi trung bình của người bị thoái hóa khớp là 45-50, nhưng hiện nay, rất nhiều người mắc bệnh khi bước sang tuổi 30. Việc tăng cân quá mức cũng gây hại khớp háng nghiêm trọng vì làm tăng sự đè ép lên trên khớp háng và khớp gối, từ đó làm sụn khớp mau bị mòn hơn. Ngoài ra, một số nguyên nhân sau đây cũng gây thoái hóa khớp háng như: hoạt động thể thao hay lao động làm tăng sự đè ép lên khớp háng, tổn thương có sẵn của khớp (gãy cổ xương đùi, hoại tử chỏm xương đùi), bệnh lý bẩm sinh của khớp háng (như bệnh đầu xương đùi to bẹt) hoặc do di truyền.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, chúng ta có thể thấy đau mỏi ở khớp háng, có khi đau ở mông, đùi hoặc khớp gối. Đau thường xảy ra lúc chúng ta mới ngủ dậy bước xuống giường, hoặc khi đứng dậy sau khi ngồi một lúc lâu. Cơn đau âm ỉ, đôi khi có thể đau nhói, đau nhiều hơn khi vận động liên tục. Chúng ta cũng có thể tự nhận biết một số dấu hiệu khác như tiếng kêu lụp cụp trong khớp háng khi bạn cử động khớp háng, khớp háng sưng lên, đau ở vùng xung quanh khớp háng. Khi bạn có một hay nhiều trong những triệu chứng kể trên, bạn cần đi khám bác sĩ và chụp X quang khớp háng để xem sụn khớp của khớp háng có bị mòn hay không.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như: dùng thuốc, thay đổi lối sống, luyện tập, phẫu thuật… tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Việc điều trị bằng thuốc là biện pháp thường được chọn lựa đầu tiên trong việc điều trị thoái hóa khớp háng. Mục đích của việc dùng thuốc là để giảm đau. Nếu chúng ta chỉ đau vừa phải, thì chỉ cần dùng những thuốc giảm đau thông thường là đủ. Trong trường hợp nếu đau nhiều thì cần phải dùng thuốc kháng viêm. Chườm ấm lên khớp háng khi khớp háng đang bị đau. Chườm lạnh lên khớp háng khi vùng xung quanh khớp háng đang bị sưng.
Thay đổi lối sống cũng là điều cần thiết trong điều trị thoái hóa khớp háng. Lối sống có thể đóng vai trò trong bệnh thoái hóa khớp háng, nhất là người thừa cân hoặc làm nghề đòi hỏi lao động chân tay nhiều hay vận động nhiều. Bệnh nhân cần giảm bớt công việc, giảm bớt đi lại, nhất là khi khớp háng đang đau nhiều.Công việc nặng nhọc hay đi lại nhiều là nguyên nhân làm đau tăng thêm. Ngoài ra, chúng ta nên ăn nhiều các loại rau, trái cây và các loại ngũ cốc.
Nghiên cứu cho thấy khẩu phần ăn giàu những axit béo loại omega-3 có thể làm giảm tỷ lệ bị mòn lớp sụn khớp.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng dành cho những trường hợp bị thoái hóa khớp háng nặng. Lúc này bạn bị đau nhiều, ngay cả khi ngồi một chỗ cũng đau, đi lại khó khăn, khớp háng bị biến dạng như chân bị ngắn lại, teo cơ đùi. Dùng thuốc giảm đau lúc này không còn tác dụng.
Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trên thế giới hiện nay là thay khớp háng toàn phần. Phẫu thuật này chỉ có thể được thực hiện khi có đủ điều kiện như bệnh viện có phòng mổ với độ vô trùng tuyệt đối, có đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ được đào tạo để làm phẫu thuật thay khớp và có kinh nghiệm. Chi phí cho ca mổ rất đắt, lên tới gần 100 triệu đồng cho một khớp háng.Thời gian phục hồi sau mổ trung bình từ một đến ba tháng.
Một số bài tập làm căng giãn khớp háng
Khi bạn bị thoái hóa khớp háng, việc cử động khớp háng trở thành khó khăn do bị đau và cứng khớp. Những bài tập làm căng giãn khớp háng có thể giúp cho việc cử động khớp háng được mềm mại và trơn tru hơn.Tập yoga, trong đó có những động tác làm căng giãn khớp háng, cũng là một phương pháp tốt, vừa giúp làm căng giãn khớp háng, vừa giúp giảm stress.Nguyên tắc chính của các bài tập là phải làm từ từ, khi thấy đau là phải ngưng ngay. Để bảo đảm sựan toàn, bạn nên tham vấn với bác sĩ của bạn về những bài tập này trước khi bắt đầu thực hiện. Bạn có thể áp dụng hai bài tập sau:
Bài tập 1 – Kéo gối: bạn nằm ngửa, co hai khớp gối lại và kéo sát vào ngực cho đến khi bạn cảm thấy một sự căng giãn.
Bài tập 2 – Ngồi căng giãn: bạn ngồi tư thế xếp bàn tròn, sao cho hai gót chân áp sát vào nhau. Kéo từ từ hai bàn chân về phía khớp háng để tạo sự căng giãn khớp háng.
Vận động thể dục thể thao là một phương pháp tốt để duy trì thể lực và sức khỏe, ngay cả với bệnh nhân đang bị thoái hóa khớp háng. Chúng ta chỉ nghỉ ngơi khi đang bị một đợt cấp của bệnh thoái hóa khớp háng, gây đau nhiều. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn để tìm những môn thể thao nào phù hợp với tình trạng bệnh của bạn, rồi áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Đạp xe, bơi lội là những môn thể thao phù hợp và dễ thực hiện cho những bạn đang bị thoái hóa khớp háng.
- TS-BS Phạm Chí Lăng, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Quốc tế Thành Đô