“Thỏa thuận về các biện pháp áp dụng ở những nước có hải cảng” (PSMA) vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 5-6-2016. Theo tinh thần của văn kiện quốc tế này, chính phủ các nước có trách nhiệm kiểm tra những tàu đánh cá nước ngoài cập cảng của họ. Các tàu này bị bắt buộc phải chứng minh các điều kiện đánh bắt của họ và mẻ cá họ đánh được phù hợp với các điều luật quốc tế về đánh bắt hải sản.
Tuy nhiên, không phải điều luật nào cũng đủ để giải quyết những bất cập trong khai thác hải sản. Theo bà Elizabeth Wilson, Giám đốc về chính sách hải dương quốc tế thuộc tổ chức Pew Charitable Trusts, luật chỉ giải quyết được một phần vấn đề về trữ lượng cá đang suy giảm dần. Một trong những chủng loại cá đang trên đà suy giảm nghiêm trọng về trữ lượng do tình trạng quản lý yếu kém là giống cá ngừ vây xanh, hiện nay chúng chỉ còn 2,6% trữ lượng ban đầu. Dù vậy, hằng năm, các chính phủ ở gần biển vẫn đặt ra một hạn ngạch đánh bắt hợp pháp vượt quá ý kiến tư vấn của các giới khoa học. Hậu quả là không chỉ trữ lượng giống cá ngừ vây xanh mà nhiều chủng loài cá khác cũng tiếp tục theo đà đi xuống. Những dữ liệu do tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố cho thấy hằng năm khối lượng cá bị đánh bắt bất hợp pháp, trái quy định, lên tới 26 triệu tấn, trị giá gần 23 tỉ USD.
Theo Matthew Camilleri, thành viên của FAO, việc đánh bắt bất hợp pháp hiện đang đe dọa hai nhóm quốc gia; nghiêm trọng nhất là các nước đang phát triển không có nguồn tài nguyên thích ứng và kỹ thuật ngăn chặn hay kiểm soát việc đánh bắt bất hợp pháp. Vì lý do này, FAO dự định tăng cường các cuộc tiếp xúc, làm việc chung với các nước đang phát triển để giúp họ vạch ra những quy định phù hợp với luật pháp quốc tế về khai thác nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó, những đảo quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng dễ dàng lâm nguy do việc lạm thác cá, vì đây là nguồn sống vô cùng quan trọng đối với họ. Hoạt động đánh bắt cá đang ngày càng được công nghiệp hóa, những ngư dân còn hành nghề theo phương thức cổ truyền có thể sẽ biến mất trong cuộc kiếm sống mà họ đã theo đuổi bao đời nay. Trữ lượng cá toàn cầu cũng đang chịu áp lực của lối đánh bắt không còn phù hợp với điều kiện về môi trường, khiến có sự lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên biển. Ngành khai thác hải sản của các nước đang phát triển cần được huấn luyện tốt hơn để tận dụng 100% nguồn tôm cá đánh bắt được, tránh những thiệt hại, tổn thất ngoài ý muốn.
Rác trên biển cũng góp phần không nhỏ vào việc làm sụt giảm trữ lượng cá hiện nay. Theo một báo cáo do Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon công bố vào tháng Ba vừa qua, chất thải nhựa trên biển ngày càng nhiều, vào năm 2050 sẽ là một đe dọa nghiêm trọng cho đời sống của các sinh vật biển. Người ta hy vọng trong tương lai gần, những quy định của thỏa ước PSMA sẽ góp phần kìm hãm đà xuống dốc của trữ lượng cá vốn là nguồn sống của phần lớn nhân loại trên hành tinh.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)