Dư luận và truyền thông quốc tế tuần qua tập trung sự chú ý xem Nga sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào sau vụ chiến đấu cơ F 16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria hôm 24-11 vừa qua.
Thậm chí, ngay sau khi thông tin về vụ này được đưa ra, từ khóa “Thế chiến thứ Ba” lập tức tràn ngập trên mạng xã hội Twitter.
Phát biểu tại Sochi ngay sau sự kiện này, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ sự tức giận, gọi cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đâm sau lưng” và nặng lời chỉ trích rằng “không khác gì những kẻ đồng lõa của bọn khủng bố”.
Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã “làm đúng chức trách” khi bắn rơi chiến đấu cơ Nga và cương quyết không nói lời xin lỗi theo như yêu cầu của Nga mặc dù hôm cuối tuần ông đã dịu giọng.
Theo ông Rob Garver, chuyên gia chính sách công tại Đại học Georgetown – Mỹ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu Nga chọn cách trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực thì sẽ bị đặt vào thế đối đầu trực tiếp với một thành viên của NATO, khối quân sự với hiệp ước phòng thủ chung buộc các nước phải hỗ trợ bất cứ thành viên nào khi bị tấn công.
Trên thực tế thì ngay sau khi bắn rơi chiếc Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với đại diện các nước NATO, rất có thể là vì lo ngại rằng Nga sẽ có những phản ứng quyết liệt.
Những tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 27-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tuyên bố Nga đang “đùa với lửa” khi không kích vào các đoàn xe chở dầu và đồ tiếp tế tại khu vực biên giới Syria, nơi các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn đang hoạt động.
Giới quan sát cho rằng những tuyên bố trên phần nào thể hiện cá tính của ông Erdogan, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có những tính toán rằng Nga sẽ không thể đẩy tình hình đi quá xa sau vụ máy bay bị bắn rơi.
Nurettin Altundeger, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Luật pháp, Đạo đức và Chính trị tại Ankara, cho rằng dường như ông Erdogan nhận thức được vai trò không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành một liên minh chống Nga đang có nguy cơ hiện hữu ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông nhấn mạnh: “Nhận thức này đã cho phép Tổng thống Erdogan đủ tự tin để thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng mục tiêu không phải để thách thức Nga, mà nhằm tìm kiếm sự tôn trọng hơn từ Moscow cho vai trò nước này ở Trung Đông”.
Tuy nhiên, hôm 27-11, lần đầu tiên kể từ sau vụ việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự hối tiếc của mình sau sự kiện ngày 24-11. Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng: “Chúng tôi thực sự đau buồn về sự cố này… Chúng tôi ước rằng mọi chuyện không diễn ra như vậy, nhưng thật không may nó đã xảy ra. Tôi hy vọng rằng những chuyện như thế sẽ không tái diễn”.
Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Balikesir, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho rằng cả Ankara và Moscow đều không nên để căng thẳng leo thang và tránh thực hiện những hành vi có tính chất phá hoại dễ dẫn tới những “kết cục đau thương”.
Ông tiếp tục kêu gọi một cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ở thủ đô Paris của Pháp vào tuần tới và nhấn mạnh đó sẽ là cơ hội để hai nước giải quyết những bất đồng. Nhưng ông Putin đã từ chối cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi.
Phản ứng của Nga
Ngày 28-11, Văn phòng Báo chí điện Kremlin thông báo một sắc lệnh “về việc áp đặt các biện pháp kinh tế đặc biệt trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ” đã được phê duyệt, theo đó việc nhập khẩu một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm thời bị cấm hoặc hạn chế. Một số tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga sẽ bị cấm hoạt động. Các công ty và doanh nghiệp Nga bị cấm thuê lao động Thổ Nhĩ Kỳ làm việc kể từ ngày 1-1-2016, nhưng những người đã được ký hợp đồng làm việc chính thức trước 31-12- 2015 sẽ không bị ảnh hưởng.
Một số chuyến bay thuê giữa hai nước sẽ bị dừng hoạt động. Sắc lệnh cũng yêu cầu các hãng lữ hành Nga hạn chế bán các gói du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo công dân không đến Nga nếu không có việc cần thiết “cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng”. Hôm 27-11, Nga đã đình chỉ thỏa thuận miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo CNN, một “cuộc chiến tranh thương mại” sẽ khiến cả hai bên phải trả giá đắt, làm suy giảm mối quan hệ song phương trị giá lên đến 30 tỉ USD của hai nước.
Trong năm 2014, theo số liệu thống kê ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị xuất khẩu sang Nga đạt 5,9 tỉ USD trong khi giá trị nhập khẩu từ Nga lên tới 25,2 tỉ USD. Ngoài ra, Ankara thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh thương mại với Moscow, hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD giá trị thương mại vào năm 2020.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là khách hàng mua khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, sau Đức.
Nếu Ankara là thị trường năng lượng khổng lồ của Moscow thì khách du lịch Nga lại đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, nhóm du khách Nga chiếm hơn 12% trong tổng lượng khách du lịch đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hằng năm, là nhóm khách du lịch lớn thứ hai chỉ sau Đức.
Về quân sự, một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga trong khu vực biên giới Syria, Nga tuyên bố điều động hệ thống siêu hỏa tiễn S-400 đến Syria. Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm xa này sẽ sẵn sàng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào có thể đe dọa các chiến đấu cơ Nga – Sputnik dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga đưa tin.
Giới quan sát nhận định việc điều động S-400 đến Syria là một lời đáp trả đanh thép nhưng có cân nhắc của Nga, vừa đủ sức răn đe chiến lược đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại không quá cứng rắn để gây ra xung đột quân sự.
Tương lai Syria sau vụ “Su-24”
Việc Nga trả đũa kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến tình hình Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung, nhưng rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga đe đọa phá hỏng cơ hội thành lập một liên minh lớn giữa các cường quốc nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Sự việc xảy ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày 24-11 sẽ khiến tất cả các bên liên quan trong vấn đề Syria càng quyết tâm giữ vững lập trường của mình. Nếu như Mỹ và Pháp khăng khăng đòi vấn đề Syria được giải quyết theo cách của họ, thì Nga và Iran cũng sẽ không chịu nhượng bộ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc gặp tại Nhà Trắng đầu tuần trước. Cả hai nhà lãnh đạo này vạch ra những thay đổi mà theo họ Nga cần phải thực hiện đối với chiến lược quân sự của Moscow ở Syria và đối với lập trường của Nga về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có vấn đề then chốt là tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh của Nga.
Tổng thống Mỹ Obama – sau khi bày tỏ sự cởi mở về mong muốn hợp tác với Nga trong cuộc gặp gỡ ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây – đến ngày 24-11 lại chuyển sang thái độ cô lập người đứng đầu điện Kremlin qua tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng: “Chúng tôi có một liên minh toàn cầu có tổ chức. Nga là người ngoài”.
Sự dịch chuyển ngầm này cho thấy những tia hy vọng mới về một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria đang dần tắt.
Trước đó, thế giới đã kỳ vọng vụ khủng bố Paris sẽ là chất xúc tác cho sự đột phá trong hợp tác quân sự và chính trị quốc tế. Chuyến thăm ngày 26-11 của ông Hollande tới Moscow từng được đánh giá là một khoảnh khắc “tỏa sáng” đối với kế hoạch của ông Putin nhằm đưa các quốc gia khác gia nhập cuộc chiến chống khủng bố của Nga. Sự kiện này cũng được kỳ vọng sẽ đánh dấu việc Nga và phương Tây xích lại gần nhau sau thời kỳ cô lập liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraina và Nga sáp nhập Crimea. Nhưng sau sự kiện “Su-24”, tình hình đã đổi khác, giải pháp chính trị cho Syria càng xa vời và khả năng phương Tây liên minh với Nga để đánh IS cũng trở nên mờ mịt hơn.