Hãng nghiên cứu thị trường Statista ước tính bình quân mỗi năm, một người Việt tiêu thụ khoảng 700 gram snack tương đương 85.000 đồng.
Theo báo cáo tổng quan về thị trường snack năm 2017 vừa được hãng nghiên cứu Statista công bố, tổng doanh thu sản phẩm này tại Việt Nam ước tính khoảng 354 triệu USD, tương đương gần 8.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường Việt Nam còn khá nhỏ so với thế giới, chỉ bằng khoảng một phần 170 so với quốc gia dẫn đầu là Mỹ.
Statista phân loại snack thành ba dòng sản phẩm chính dựa theo nguyên liệu chế biến gồm bột, khoai tây và các loại hạt. Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm của thị trường Việt Nam phân hóa rõ rệt khi snack làm từ bột chiếm hơn 58%, trong khi sản phẩm từ khoai tây chỉ khoảng 6%.
Mức sống ngày càng cải thiện, cộng thêm sự thay đổi xu hướng chi tiêu của giới trẻ giúp thị trường snack Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng và dư địa khai thác. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về lối sống lành mạnh khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng hai năm gần đây có dấu hiệu chậm lại. Giai đoạn 2011-2015, thị trường luôn duy trì mức tăng hai chữ số nhưng đến năm 2018 thì chỉ còn tối đa 5,5%. Doanh thu toàn thị trường dự báo đến năm 2021 vào khoảng 455 triệu USD, tương đương 10.300 tỉ đồng.
Nếu thống kê đầy đủ, có không dưới 100 loại snack đủ kiểu, hương vị khác nhau, giá trung bình dao động từ 3.000-20.000 đồng/bịch tùy loại. Món ăn vặt “kinh điển” này không chỉ thu hút trẻ em, nằm trong thực đơn không thể thiếu trong mỗi lần vui chơi, xem phim của thanh, thiếu niên mà còn chinh phục cả người trưởng thành và tuổi trung niên.