Một triển lãm quy mô lớn của các giảng viên và sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Văn Lang lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 5-3).
Dù nhà trường coi đây “không phải là một cuộc trình diễn”, mà là dịp để giới thiệu với công chúng những bài học tốt của sinh viên cũng như những sáng tác của các giảng viên – họa sĩ, nhưng 125 tranh nhiều thể loại tại triển lãm đã gây được ấn tượng khá đậm nét với người thưởng ngoạn, trong đó sáng tác của sinh viên chiếm số lượng lớn hơn so với các thầy cô trong khoa. Sự đa dạng của ngôn ngữ tạo hình, của chất liệu và kỹ thuật thể hiện cũng như chất lượng nghệ thuật, sự tươi mới của tranh trưng bày khiến phòng triển lãm có sức thu hút người xem, giữ chân họ lâu hơn. Có thể nói ngày khai mạc triển lãm đã trở thành một ngày hội không chỉ của thầy và trò khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Văn Lang mà cả với đông đảo khách tham dự.
Bên cạnh tranh của các giảng viên trẻ, triển lãm còn có sự góp mặt của hai bậc thầy của nhiều thế hệ họa sĩ: họa sĩ Nguyễn Kim Bạch và họa sĩ Lê Huy Tiếp, cả hai vị đều từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam và là những người thầy tận tụy với nghề sư phạm mỹ thuật.
Với mục tiêu năm sau chất lượng đào tạo cao hơn năm trước, thầy và trò khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Văn Lang cố gắng mỗi năm có một đợt tập trung nhìn lại những nỗ lực giảng dạy và học tập theo yêu cầu phát triển sâu về chuyên môn, đồng thời qua đó cũng thắt chặt hơn nữa tình thầy trò. Đây cũng chính là lý do để nhà trường tổ chức triển lãm này.
Họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, triển lãm của Trường Văn Lang nằm trong các hoạt động của bảo tàng theo hướng xã hội hóa, qua đó nhằm thu hút công chúng trẻ, giới sinh viên học sinh đến với bảo tàng nhiều hơn. Sau Trường Văn Lang sẽ tiếp tục có các triển lãm tương tự của một số trường đại học khác. Và với các triển lãm dạng này, theo ông Bình thì bảo tàng hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng.
- Y Chiêu