Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, ra chuẩn chung cho QR code, chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu của các cơ quan tham gia giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)… Đó là những nội dung chính của việc giảm dùng tiền mặt được đề xuất tại hội thảo “Xã hội không dùng tiền mặt – Chính sách và thực tiễn” diễn ra ngày 11-6 tại TP. Hồ Chí Minh, do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Gần đây, khảo sát của PwC cho thấy trong năm 2018, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán qua di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%. Thế nhưng tính chung, tỷ lệ TTKDTM trên tổng phương tiện thanh toán đến nay mới đạt được 14% – cách rất xa so với Hàn Quốc, nơi mà tỷ lệ TTKDTM đã lên tới hơn 80%. Thực tế ghi nhận tại một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam là SaigonCo.op cũng cho thấy sau khi trừ đi các kênh thanh toán online thì tỷ lệ TTKDTM cũng mới chỉ xấp xỉ 3%.
Tương tự, ngay ở kênh thương mại điện tử Shopee – nơi lượng khách hàng dưới 35 tuổi chiếm áp đảo – tỷ trọng TTKDTM trên tổng giá trị thanh toán vẫn thấp. Trong số bảy nước mà nhà bán lẻ này đang hoạt động thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam là cao nhất. Tại doanh nghiệp này, cho dù tất cả công tác hành chính đều được điện tử hóa nhưng khâu quan trọng nhất là thu tiền hàng vẫn cần nhân lực rất lớn.
- Xem thêm: Công bố sự kiện “Ngày Không Tiền Mặt – 16/06”, khuyến khích mua sắm và thanh toán không tiền mặt
Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện vẫn còn hạn chế trong tự động hóa dữ liệu giữa bộ tờ khai hải quan với ngân hàng. Do đó, ngành hải quan và ngân hàng cần phối hợp xây dựng phần mềm tự động hóa vì nhiều doanh nghiệp có lượng tờ khai hải quan rất lớn.
Cùng chung nhu cầu về việc được tiếp cận hệ cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa, Phó tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Minh Tâm cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư tập trung để hỗ trợ ngành ngân hàng trong kết nối – định danh khách hàng (KYC) khi cho mở tài khoản trực tuyến.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy TTKDTM phát triển nhanh một phần nhờ phát triển tốt QR Code. Ở Việt Nam, QR Code cũng đang tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, theo nhận định của người trong ngành thì để QR Code phát triển rộng khắp, hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đủ. Đại diện VP Bank cho biết: “Một ngân hàng không thể mở chi nhánh, các điểm giao dịch khắp mọi nơi.
Nhưng chúng ta lại có hệ thống các công ty viễn thông, các chuỗi cửa hàng rất lớn, thậm chí xuống từng xã đều có các cửa hàng uy tín… Chúng tôi đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho phép các ngân hàng có thể ký hợp đồng với mạng lưới đó để nối dài cánh tay của mình. Làm được như vậy, TTKDTM sẽ được đẩy mạnh”.