Chỉ khi nào những tầng ô nhiễm và ẩm ướt tiêu tan, từ trên cao mới được thấy đại đô thị 20 triệu dân Lagos trải dài, vươn rộng đến vô tận.
Ngày 27-5-1967, Nigeria trở thành nhà nước liên bang, Lagos là thủ đô. Thời đó “thành phố hồ nước” là một thủ đô lặng lẽ, chỉ 1 triệu dân sống thảnh thơi bên bờ đầm phá nước mặn xanh biếc.
Dân số Nigeria bùng nổ, người người nô nức đổ về Lagos thử vận may. Sau 50 năm, Lagos không còn là thủ đô (thủ đô hiện nay là Abuja) nhưng đã trở thành thành phố thứ mười đông dân nhất thế giới. Theo những thống kê chính thức, số dân xê dịch từ 17 đến 22 triệu người. Khó tưởng tượng được nơi ăn chốn ở, đi lại, điện nước sinh hoạt… cho 900 cư dân mới mỗi ngày, trong suốt nửa thế kỷ qua.
Guillaume Josse, chuyên gia Văn phòng Groupe Huit chuyên nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị, cho biết: “Hầu hết các thành phố châu Phi hiện nay phải đối đầu với các vấn đề nan giải đô thị hóa, bạo lực, quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường… Riêng với Lagos, những thách thức ấy hợp thành một bức tranh ảm đạm đủ các cung bậc, không sao giải quyết được”.
Theo yêu cầu của chính quyền, Ayo Assaf – chuyên gia được đào tạo ở đại đô thị New York, quyết tìm lời giải cho các vấn đề vô phương ấy. Suốt bảy năm qua, ông khảo sát mọi ngóc ngách trung tâm Lagos với mật độ 12.000 người/km2. Từ đó, chuyên gia đô thị này khuyến cáo: Đây là thị trường sôi động thu hút cả triệu người, không thể ngăn cấm mà phải chính thức hóa thương mại tự phát, cải thiện đời sống vì những lý do an ninh, vệ sinh. Không chỉ cải thiện điều kiện kiếm sống mà còn phải xây dựng nhà ở cho người nghèo. Ayo Assaf nói: “Tôi mường tượng những đường phố lớn tấp nập tiểu thương, mạng lưới giao thông công cộng hiện đại thay cho những chiếc xe buýt nhỏ sơn vàng tự do đón, trả khách giữa đường, làm tắc nghẽn giao thông mọi lúc mọi nơi”. Ông cảnh báo: “Một khi mất đi khả năng hòa nhập sinh tồn, sẽ là nguy cơ hỗn loạn”.
- Lê Lành theo L’OBS