Những ngày tháng Bảy Âm lịch, đến các quán cơm chay đã thấy đông nghẹt người. Khách lớp ăn tại chỗ, lớp mua về nhà cho bữa cơm trưa, cơm chiều.
Bởi, có rất nhiều người ăn chay trong suốt tháng này, có thể do lời khấn nguyện, có thể để cầu phúc cho cha mẹ, cũng có thể chỉ như một thông lệ hằng năm.
Mỗi năm, cứ đến tháng Bảy Âm lịch, tôi lại bâng khuâng nhớ một thời tuổi trẻ, nằm trong đoàn học sinh Phật tử, tôi và các bạn thường đến chùa đảnh lễ và tụng kinh sám hối.
Nhờ đó chúng tôi biết được sự tích “Vu lan bồn”, biết chuyện người con hiếu Mục Liên và tội nghiệt của bà mẹ Thanh Đề.
Mục Liên chính là Mục Kiền Liên bồ tát và từ Vu Lan Bồn theo tiếng Phạn là một hình thức treo ngược người lên để được xóa đi những tội lỗi.
Ngày lễ Vu Lan hằng năm cũng là ngày “báo hiếu” của con cái đối với cha mẹ, mong mỏi những điều tốt đẹp cho cha mẹ khi còn sống hoặc cầu siêu sinh tịnh độ cho cha mẹ đã mất theo gương Bồ tát Mục Kiền Liên.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu còn là ngày “xá tội vong nhân”. Ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường có lẽ vẫn còn nhớ vài ba câu trong bài chiêu hồn đậm đặc tính nhân văn của thi hào dân tộc Nguyễn Du:
…Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…
Còn nhớ những ngày đó, chúng tôi được các thầy phân công gắn hoa hồng lên áo các thiện nam tín nữ đến chùa. Một bông hồng trắng cho những người không còn cha mẹ và một bông hồng đỏ cho những ai cha mẹ còn sinh tiền.
- Xem thêm: Mưa bông sao
Mấy mươi năm qua, nhiều người vẫn nhớ thuộc lòng bài thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc: Một bông hồng cho em. Một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ. Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…
Những ngày trong mùa báo hiếu, tôi cũng tràn trề vui sướng khi tự gắn lên ngực áo mình một bông hồng đỏ thắm như đa số bạn bè trong lễ Vu Lan. Niềm vui chỉ còn là hồi ức ngọt ngào của một thời trẻ trung, trong sáng.
Bây giờ đi qua cổng chùa vào ngày này, thấy cảnh Phật tử cài bông hồng trắng, bông hồng đỏ lên áo khách thập phương lòng tôi cứ bâng khuâng nhớ về một thời thanh xuân đẹp đẽ và lại chạnh buồn bởi từ lâu mình đã không được cài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm nữa.
Thời gian qua nhanh thật! Mới ngày nào chúng tôi còn gắn hoa cho khách vào chùa, còn rôm rả kể cho nhau nghe về lời thề “Thất tịch” đêm mùng 7 tháng 7 trong sự tích Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi với sự lãng mạn của tình yêu: “Tại thiên nguyện vi tị dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi”.
Hình ảnh chim liền cánh, cây liền cành ấy đã đi vào những con tim ngập tràn cảm xúc roi rói trinh nguyên đến nay vẫn đọng lại chút thổn thức bồi hồi khi mùa mưa Ngâu lại về và đàn quạ đang bắc cầu Ô Thước cho Chức Nữ, Ngưu Lang hội ngộ.
Tháng Bảy! Mùa Vu Lan báo hiếu, mùa xá tội vong nhân, mùa của tình yêu vẫn trộn lẫn trong tôi là vậy.
Không biết trong những Phật tử đang đứng trước cổng chùa cài hoa lên áo những thiện nam tín nữ hôm nay có còn ai là người đã cùng tôi đảnh lễ chùa này một thời tuổi trẻ? Có còn ai là người đã cùng tôi cài bông hồng cho khách những năm tháng xa xưa ấy?
- Xem thêm: Những mùa tháng bảy xưa
May mà hình thức “Bông hồng cài áo” vẫn còn được lưu giữ ở nhiều ngôi chùa như một nét khắc chạm đẹp đẽ vào lễ Vu Lan để những đứa con vẫn có dịp thành tâm đảnh lễ trước Phật đài, cầu phúc, cầu an, cầu siêu cho các đấng sanh thành.
Và… còn để trong lòng mọi người ngân nga câu hát: “Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh. Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em. Thì xin anh, thì xin em. Hãy cùng tôi vui sướng đi…”.