Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội thì dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa này (chấm dứt vào ngày 30-9) sẽ chỉ còn 649 tỉ USD (4% GDP), thấp hơn khoảng 200 tỉ USD so với con số dự báo ba tháng trước. Văn phòng trên dự báo là thâm hụt ngân sách từng có thời gian lên đến 10% GDP (năm 2009) nhưng sắp tới có thể giảm xuống chỉ còn 2,1% GDP (năm 2015) – mức mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ còn bền vững đến cuối thập niên này.
Nguồn thu tăng mạnh nhờ vào sự tiến bộ của nền kinh tế Mỹ. Nhìn chung, các con số cho thấy sự hồi phục kinh tế đã làm tăng nguồn thu của chính phủ. Washington cho thấy đã có sự thành công vượt bậc về cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua việc tăng một số loại thuế và cắt giảm chi tiêu nội địa, trong đó có một số chương trình quân sự.
Thế nhưng, khi mà nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa xuống dưới mức 7,5%, nhiều nhà kinh tế cảnh báo là thâm hụt ngân sách đang giảm quá nhanh và quá sớm, gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình tạo công ăn việc làm và đó chính là điều đáng lo ngại nhất.
Với thặng dư ngân sách lên đến 113 tỉ USD trong tháng 4 (theo số liệu của Bộ Tài chính), các nhà phân tích cho rằng không phải quá lo ngại về trần vay nợ (điều mà Quốc hội Mỹ buộc phải hạn chế) cho đến mùa thu năm nay. Điều đó làm cho cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa ngần ngại đi vào vòng đàm phán mới nhằm cắt giảm những chương trình như an sinh xã hội, chăm sóc y tế và mở rộng tăng thuế đối với nhiều thành phần dân chúng hơn.
Theo cảnh báo của nhiều nhà kinh tế, việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ và tăng thuế (được Quốc hội Mỹ đồng ý trong năm nay) đã ảnh hưởng đến sự hồi phục tốc độ phát triển kinh tế, làm giảm bớt việc làm trong bộ máy của chính phủ và còn khiến tốc độ tăng trưởng suy giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng sự cắt giảm thâm hụt “có phần quá mạnh”, đồng thời khuyên Washington nên trì hoãn một vài biện pháp cắt giảm ngân sách và đề ra một chiến lược kìm hãm thâm hụt trong tương lai.
Khi xem xét lại dự báo cho năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cắt giảm số thâm hụt lũy kế trong mười năm đến 618 tỉ USD. Những điều chỉnh dài hạn này là do dự báo chi tiêu cho các chương trình như an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe thấp hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, số tiền thanh toán lãi suất nợ cũng thấp đi.
Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội còn cho rằng sự đầu tư cho chăm sóc sức khỏe có vẻ chậm lại và xu hướng này nếu kéo dài có thể loại bỏ áp lực ngân sách và rất có thể góp phần phục hồi kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn.
Thiên Bảo theo NYT, 14-5-2013