GCC vừa công bố ngân khoản 100 ngàn USD dành cho những ý tưởng sáng tạo giúp giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe của người dân ở những nước nghèo. Khoản tiền tài trợ cho các dự án cải tiến sức khỏe có thể lên đến 1 triệu USD.
Một buổi sinh hoạt của tổ chức Grand – Challenges -Canada
Một ý tưởng không có gì mới nhưng nếu thực hiện được ở một quy mô rộng thì sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Đó là ý tưởng biến chất thải từ con người và các loài động vật khác thành năng lượng, có thể góp phần giải quyết bài toán năng lượng và quan trọng hơn là cải thiện sức khỏe cư dân trong cộng đồng. Từ lâu, tại nhiều nước châu Phi, trong đó có Uganda, hầu hết chất thải từ con người đều được đổ ra sông, suối, hồ ao với những tác hại khôn lường về mặt sức khỏe. Nếu phần lớn những chất thải này được biến thành năng lượng, như biogas chẳng hạn, thì cộng đồng dân cư Uganda sẽ tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm về đường ruột. Nhà nghiên cứu Corinne Schuster – Wallace thuộc Viện Nghiên cứu về Nước, Môi trường và Sức khỏe (Canada) đang hợp tác với hai công ty Canada sử dụng những bể chứa lớn đặt ngầm dưới đất đựng chất thải của người để tạo ra khí đốt methane, một nguồn năng lượng dồi dào phù hợp với đời sống các nước nghèo. Ước tính lượng biogas sản xuất đủ để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cho 400 ngàn cư dân sống trong các khu ổ chuột ở thủ đô Kampala của Uganda.
Một dự án khác của Uganda nhằm chế tạo một loại giấy thử giúp sớm phát hiện hai tác nhân vô cùng nguy hiểm là virus Ebola và virus Marburg. Theo tiến sĩ Misaki Wayengera thuộc Đại học Makerere (Uganda), hiện nay, bệnh do hai loại virus này gây ra rất khó phát hiện sớm, do đó nếu làm được điều này thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho việc điều trị. Tại Trường Đại học Victoria, Canada, tiến sĩ Alexandre Brolo, người gốc Brazil, đã chế tạo một loại giấy thử bằng nhựa phủ một lớp hạt nano vàng giá chỉ 10 cent, sử dụng chung với một thiết bị đeo tay giá 10 USD, có tác dụng phát hiện sớm bệnh trong cơ thể. Ở Kenya, 84% số người mắc HIV/AIDS không biết gì về căn bệnh của mình. Tiến sĩ Njambi Njuguna thuộc Bệnh viện Quốc gia Kenyatta (Kenya) đang thực hiện một trò chơi trên điện thoại di động nhằm cảnh báo giới nữ trong nước về sự nguy hiểm của căn bệnh HIV/AIDS. GCC hy vọng trong một tương lai gần sẽ có nhiều ý tưởng độc đáo hơn nữa, chẳng hạn một loại giấy thử chỉ cần chạm lưỡi vào là có thể biết được mình đang mắc những căn bệnh nguy hiểm nào. Trong lúc thuốc trị bệnh đang được các tập đoàn dược phẩm đổi mới liên tục nhằm điều trị các căn bệnh “nhà giàu” như huyết áp, tim mạch, ung thư… thì việc GCC cổ xúy và tài trợ cho những ý tưởng cải tiến việc chăm sóc sức khỏe người nghèo ở các nước đang phát triển là việc làm hữu ích đáng được đề cao.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph