Chính phủ Thái Lan đang diều chỉnh chính sách người lao động nước ngoài sau khi có những phản ứng và lo ngại tình trạng thiếu lao động trong khu vực tư nhân do tác động của Pháp lệnh Hoàng gia mới về nhập cư. Với pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 23-6-2017, chỉ sau một đêm, người lao động trong nước và nhập cư đối diện với những hình phạt tăng nặng. Những người sử dụng lao động có thể bị phạt tối đa 800.000 baht (tương đương 23.000 USD) cho mỗi lao động nhập cư không có giấy tờ làm việc hợp lệ, trong khi người lao động có thể bị bỏ tù năm năm, bị phạt tù lên đến 100.000 baht (tương đương 3.000 USD) hoặc cả hai.
Sau một tuần lễ quy định này được công bố, các báo cáo của chính phủ cho thấy gần 60.000 người nhập cư đã rời bỏ Thái Lan. Những nhà tuyển dụng cũng đã cố gắng tránh phạt bằng cách sa thải ít nhất 500 người nhập cư để họ tự đi tìm lối thoát trên đất Thái.
Để cứu vãn tình hình này, chính phủ sửa lại chính sách này bằng cách viện dẫn điều 44 của một Hiến chương tạm thời ban hành ân hạn 180 ngày để các nhà tuyển dụng và người lao động nhập cư tuân thủ pháp luật mới trước khi hình phạt được áp dụng.
Lâu nay chính phủ Thái cho rằng sự hiện diện của người lao động nhập cư là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm, suy thoái môi trường và gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Thế nhưng lao động nhập cư đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế sử dụng nhiều lao động như Thái Lan, một quốc gia đang nhanh chóng trở thành một xã hội lão hóa với tỷ lệ sinh giảm mạnh. Lực lượng lao động Thái Lan dự kiến sẽ giảm đến 11% vào năm 2040, một tỷ lệ cao hơn so với bất cứ quốc gia đang phát triển nào ở khu vực Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy lao động nhập cư đóng góp một cách tích cực vào mức tăng năng suất của Thái Lan.
Tại Thái Lan hiện có khoảng 50.000 người Việt Nam làm việc qua con đường đi du lịch rồi ở lại. Số lao động này làm đủ nghề từ công nhân ca đêm đến nhà hàng ăn uống, cửa hàng thực phẩm, giúp việc nhà, chăm sóc sức khỏe… phần lớn là lao động bất hợp pháp. Có thể họ sẽ bị buộc về nước khi visa du lịch hết thời hạn.
- T.K
Xem thêm :
- Myanmar và Thái Lan thỏa thuận về hợp tác lao động
- Thái Lan chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam
- Thái Lan nằm trong danh sách đen “bóc lột sức lao động”