Có nhiều con đường khác nhau dẫn tới sự giàu có. Với một số người, đó là hành trình đầy thú vị của việc theo đuổi đam mê, ước mơ. Với nhiều người khác, đó lại là hành trình cứng nhắc với những cột mốc, mục tiêu phải hoàn thành.
Không có công thức đúng duy nhất cho tất cả, tuy nhiên, theo dõi cách làm giàu, bài học làm giàu của những người thành công luôn là cách nhanh nhất và tạo động lực nhiều nhất để chúng ta có thể biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Tổng hợp từ trang Business Insider, dưới đây là những bài học đầu tiên, những cột mốc đáng nhớ mà những chuyên gia tài chính, triệu phú tự thân từng trải qua.
Đầu tư sớm nhất có thể
Với David Bach (một nhà đầu tư, doanh nhân, đồng thời là tác giả của chín quyển sách liên tiếp nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của tờ The New York Times), bài học đầu tiên trên hành trình làm giàu của ông là bài học về đầu tư.
“Tôi may mắn khi biết được tầm quan trọng của đầu tư từ khi còn nhỏ. Bởi cả gia đình tôi đều bàn luận về đầu tư gần như mỗi ngày” – David Bach phát biểu trên trang Business Insider – “Bố tôi là một nhà tư vấn tài chính và môi giới chứng khoán, còn bà của tôi giúp tôi mua cổ phiếu đầu tiên khi tôi bảy tuổi”.
Theo đó, David Bach vẫn nhớ như in buổi học tài chính đầu tiên của ông, khi vừa lên bảy, trong một cửa hàng McDonald’s. Lúc ấy, bà của David Bach dạy ông cách phân chia những người trong cửa hàng thành ba nhóm: nhóm tới để ăn, nhóm người phục vụ tại quán và nhóm người sở hữu quán. Bà giải thích cho ông, cách tốt nhất để trở nên giàu có là trở thành nhóm người thứ ba, tức chủ của những cửa hàng. Sau đó, bà của David Bach giúp ông mua những cổ phiếu đầu tiên, từ tiền tiết kiệm.
“Theo tôi, lỗ hổng lớn nhất của hầu hết nền giáo dục là không dạy cho học sinh tầm quan trọng của đầu tư khi chúng còn nhỏ. Tôi gặp hàng ngàn người luôn khất lần việc này, bởi họ dự định đầu tư khi có thu nhập nhiều hơn, hay có khoản tiết kiệm lớn hơn… Mẫu số chung của những người này là họ chẳng bao giờ đầu tư hoặc sẽ sớm bỏ cuộc. Nếu muốn giàu có, bạn phải học cách đầu tư” – David Bach chia sẻ.
Chi trả cho bản thân đầu tiên
“Chi trả cho bản thân đầu tiên là một phép toán ma thuật đã ám ảnh tôi và giúp tôi cùng gia đình mình thay đổi hoàn toàn thói quen, cách sử dụng tiền bạc để có thể nghỉ hưu sớm” – Holly Jonhson, cây bút chuyên phân tích tài chính người Mỹ với hơn 60.000 người theo dõi trên mạng xã hội, đã chia sẻ trên trang Business Insider.
Trước đó, Holly Johnson cũng như bao cặp vợ chồng khác, luôn ngụp lặn mỗi tháng trong việc chi tiêu, tiết kiệm, nợ, đi làm… Và họ gần như không thể thoát ra được guồng quay ấy. “Khi ấy, tôi và chồng mình đều có mức thu nhập mỗi năm khoảng 75.000 USD (gần 1,7 tỉ đồng), một con số không hề nhỏ. Nhưng cuối tháng lúc nào chúng tôi cũng trong tình trạng túng thiếu, thậm chí là nợ thẻ tín dụng dài hạn. Chỉ khi học được cách chi trả cho bản thân đầu tiên, chúng tôi bắt đầu sắp đặt lại thứ tự ưu tiên cho mọi khoản tiền. Những khoản ưu tiên như tiền đầu tư, quỹ khẩn cấp, tiền tiết kiệm, tiền học hành… luôn được thanh toán trước, trong khi các chi phí còn lại như mua sắm, du lịch… sẽ được hoàn thiện sau. Kỷ luật và kiên định, dần dần chúng tôi đã hoàn thành được mọi kế hoạch tài chính của mình” – Holly Jonhson nhớ lại.
Đừng bỏ cuộc
Theo Paul Morris, triệu phú tự thân, Giám đốc khu vực Công ty Bất động sản Keller Williams Realty, bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà ông đã học được trên con đường làm giàu của mình, chỉ đơn giản có ba từ, đó là “đừng bỏ cuộc”.
“Vô số người sẽ nói với bạn những câu nói làm bạn nhụt chí, như bạn không có năng khiếu ở lĩnh vực này, hay cá thì không thể leo cây… Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, chúng ta không phải là cá. Chúng ta là con người, sinh vật duy nhất có thể cải tạo thiên nhiên, vì thế chúng ta chỉ thực sự thất bại một khi chúng ta bỏ cuộc. Chỉ cần chăm chỉ và chịu khó học hỏi, bạn nhất định sẽ tạo ra kỳ tích” – Paul Morris chia sẻ trên trang Business Insider.
Để giữ được bản thân luôn hướng tới mục tiêu, không bỏ cuộc dù bất cứ lý do nào, Paul Morris khuyên chúng ta phải giữ được sự tập trung cần thiết và học cách bỏ qua một bên sự thất vọng, nỗi buồn, thứ thường tới từ chính chúng ta.
“Những thất bại, những lời từ chối đến với bạn hằng ngày và sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy mình thật xui xẻo, vô dụng và ngu ngốc hơn mọi người xung quanh rất nhiều. Đổ lỗi cho hoàn cảnh đã là không nên, nhưng đổ lỗi quá nhiều cho bản thân, khiến mình chán nản, buông xuôi, càng là điều không nên. Do đó, hãy giữ sự tập trung, bình tĩnh với mọi thất bại. Hãy giữ cho da mặt thật dày, rồi bạn sẽ có được sự tập trung lớn nhất cho công việc của mình” – Paul Morris kết luận.
- Tuấn Thành
Xem thêm:
- Những bài học tài chính đáng giá
- Năm lời khuyên của chuyên gia tài chính
- Góc nhìn khác biệt của các tỉ phú