Tình yêu quê hương của Tề Bạch Thạch được khắc họa trong chính những tác phẩm của ông, mà ở đó người ta thấy hình ảnh làng quê qua những nét vẽ dung dị về các loài tôm, cua, cá… Sức sống trong tranh ông đã khiến người xem cảm thấy rõ nét hơn về thiên nhiên Trung Hoa. Và chính những họa sĩ như Tề Bạch Thạch đã góp phần khiến nền quốc họa Trung Hoa được khôi phục và phát triển đến ngày nay.
Nét vẽ tài hoa của Tề Bạch Thạch khiến bức tranh trở nên có hồn và lan tỏa sức quyến rũ vào tâm trí người xem. Những bức họa của ông còn có giá trị như một pho sử mà ở đó, phong cảnh và tập tục truyền thống của người dân Trung Quốc được thể hiện một cách sống động và đầy màu sắc.
Tề Bạch Thạch (1864-1957), tên thật là Tề Thuần Chi, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm lên chín tuổi, bố mẹ gửi Thuần Chi học nghề trong một xưởng mộc với hy vọng cậu sẽ thoát khỏi cảnh bần hàn. Và chính từ nơi đây, cậu bé Thuần Chi đã tìm thấy niềm đam mê của mình ở nghệ thuật khắc gỗ.
Tề Thuần Chi tỏ ra là một thợ khắc rất khéo tay. Khi Tề Thuần Chi sớm trở thành một tên tuổi trong nghề khắc triện, cậu đã có duyên gặp những danh họa như Tiêu Hương Cai, Văn Thiếu Khả, Hồ Tẩm Viên, Đàm Bác… Ngay lập tức, họ nhận ra Thuần Chi là một tài năng về hội họa nếu được mài giũa và đã khuyên Thuần Chi chuyển hướng đam mê sang hội họa.
Những bức tranh đầu tiên của Thuần Chi là vẽ phong cảnh. Năm 38 tuổi, Thuần Chi đã dành bảy năm trời để đến những ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, hàng trăm bức thủy mặc đã ra đời với hàng trăm bài thơ được đề trong tranh. Thời gian đầu trong sự nghiệp, Thuần Chi lấy bút danh là Tề Vị Thanh hoặc Tề Hoàng. Đề tài của các bức tranh này là khung cảnh làng quê và những người nông dân, nhưng dù ở khung cảnh nào, tranh của Tề Vị Thanh cũng tỏa ra hơi ấm của tình người và sự lạc quan yêu đời, thể hiện trong những khối màu ấm nóng và mở ra một không gian thơ mộng cho người xem.
Song có lẽ, Tề Thuần Chi sẽ không thể trở thành danh họa Tề Bạch Thạch nếu không may mắn gặp hai bậc tiền bối Ngô Thạc Xương và Hồ Tẩm Viên. Chính họ đã khuyên Thuần Chi nên thay đổi phong cách hội họa để nhấn vào ba điểm trọng tâm trong tranh: hình, động và chất. Chữ hình nghĩa là phải có hình khối, có ẩn ý đằng sau mỗi khuôn hình. Và trong mỗi khuôn hình ấy phải luôn hàm chứa sự chuyển động của vật thể và tâm linh của người vẽ. Để rồi sự tổng hòa giữa hình và động sẽ nói lên chữ chất trong tranh: Cảnh và hồn người hòa làm một, đều có chữ tình trong đó.
Năm 1918, Tề Thuần Chi chuyển đến Bắc Kinh sinh sống. Và đến năm 1928, ông đổi tên hiệu của mình thành Tề Bạch Thạch, ngụ ý tới những ngọn núi phủ tuyết trắng. Chính cái tên Tề Bạch Thạch đã mở ra sự nghiệp hội họa mới của ông với những bức tranh mang phong cách riêng. Tề Bạch Thạch chuyên vẽ phong cảnh trước năm 40 tuổi, và sau đó, ông chỉ vẽ hoa, chim và côn trùng. Có một câu nói nổi tiếng của ông: “Những ngón tay đã dạy tôi biết vẽ, và tâm niệm của tôi là vẽ được hết tất cả các loài chim và côn trùng trên thế gian này”. Đương nhiên, ông chẳng thể vẽ hết được các loài chim và côn trùng trên thế gian, nhưng chắc chắn rằng, đến nay, không ai có thể liệt kê được hết các họa phẩm của ông.
Tề Bạch Thạch nổi tiếng nhất là tài vẽ tôm. Những con tôm đẫm ướt, nghịch ngợm và căng tràn sức sống. Có nhà nghiên cứu mỹ thuật nói rằng, Tề Bạch Thạch được tôn là danh họa chính bởi nghệ thuật vẽ râu tôm và càng tôm. Chỉ vài nét phác tinh tế cũng cho người xem cảm nhận thấy rõ sự uyển chuyển sống động của một sinh vật.
Nét vẽ tài tình của Tề Bạch Thạch đã khiến danh họa cùng thời là Từ Bi Hồng khâm phục. Từ Bi Hồng đã kết giao tình tri âm với Tề Bạch Thạch để cùng theo đuổi sự nghiệp phục hưng nền quốc họa. Đó cũng là một trong những “đôi bạn danh họa” có tiếng nhất của lịch sử hội họa Trung Hoa.
Năm 1952, Tề Bạch Thạch được trao bằng Giáo sư danh dự Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh. Năm 1953, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nước CHND Trung Hoa. Sau đó, ông được đề cử làm Hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh. Đến năm 1955, Tề Bạch Thạch được trao giải Vì hòa bình của Tổ chức Hòa bình Thế giới. Trong những năm tháng cuối đời, với tâm nguyện là duy trì và phát triển nền quốc họa Trung Hoa, ông đã có hàng chục môn đồ được đào tạo để theo đuổi con đường nghệ thuật này.