Juan Benito Drue, 63 tuổi, trong phòng mổ Bệnh viện La Paz ở thủ đô Madrid, chờ được ghép tạng. Người vợ Jenorima nói trong nước mắt hạnh phúc: “Có thận để ghép còn mừng hơn trúng số độc đắc”. Cuộc phẫu thuật kéo dài bốn tiếng rưỡi đồng hồ, thành công mỹ mãn.
Theo Tổ chức ghép tạng quốc gia (ONT), năm 2016, Tây Ban Nha thực hiện 4.818 phẫu thuật ghép tạng, trong số đó có 2.994 trường hợp ghép thận. Suốt 25 năm nay, ONT phong cho Tây Ban Nha danh hiệu “vô địch thế giới về hiến tạng”, năm 2016 là 43,4 ca/triệu người. Năm 2015, tỷ lệ hiến tạng ở Tây Ban Nha là 40,2/triệu người (tỷ lệ này ở Mỹ là 28,2/triệu người, ở Đức là 10,9/triệu người).
Người sáng lập ONT, Rafael Mastesanz tự hào: “Người được ghép thận đã lên cân, đi lại bình thường” và cho biết thêm: “Bệnh viện nào ở Tây Ban Nha cũng có một ban điều phối ghép tạng, với đội ngũ bác sĩ đặc nhiệm chẩn đoán chính xác người bệnh đã chết não, đứng tim, nhưng thận, gan, phổi, tuyến tụy, đôi khi cả tim, ruột non vẫn còn đầy đủ chức năng, có thể cấy ghép. Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này”.
Người bệnh cần ghép tạng được ONT thu thập thông tin và lựa chọn tạng ghép thích hợp nhất. Nếu người bệnh ở xa, tạng ghép được đặt trong thiết bị làm lạnh đặc biệt và vận chuyển bằng đường hàng không, trong khoang lái cùng các phi công. Việc ghép tạng là miễn phí, bí mật danh tính và chỉ với công dân Tây Ban Nha để tránh việc lạm dụng, buôn bán.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ khoảng 10% yêu cầu ghép tạng trên thế giới được đáp ứng.
- Lê Lành theo Huffington Post
Xem thêm:
- Tây Ban Nha bắt sáu viên chức ngân hàng Trung Quốc
- Liệu Catalan có tách khỏi Tây Ban Nha?
- Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, không dễ