Thương vụ M&A của Tập đoàn Pfizer với Tập đoàn Hospira hoàn tất trên toàn cầu được đánh giá là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2015. Vì Pfizer vốn là một “người khổng lồ” trong lĩnh vực dược phẩm và chế phẩm sinh học dựa vào nghiên cứu, với hơn 90.000 nhân viên, 63 nhà máy sản xuất, 260 viện hợp tác nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Nên việc mua lại Hospira hứa hẹn nhiều cơ hội cho người bệnh được tiếp cận các sản phẩm thuốc chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Pfizer, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư.
Nâng cao cam kết của một tập đoàn dược phẩm cải tiến hàng đầu
Từ những ngày đầu thành lập vào năm 1849, Pfizer đã cam kết về việc áp dụng khoa học và nguồn lực của tập đoàn trên toàn cầu để giúp nâng cao sức khỏe của con người. Cam kết này thể hiện rất rõ trong hơn 150 năm qua, Pfizer luôn thể hiện trách nhiệm của một tập đoàn hàng đầu thế giới về phát minh, sản xuất dược phẩm và các chế phẩm sinh học, trong việc giúp mọi người tiếp cận được các loại thuốc an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý.
Thực tế, Pfizer đã rất tích cực trong việc hợp tác với các chuyên gia y tế, chính phủ và cộng đồng nhằm hỗ trợ và mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới. Pfizer cũng là một trong số ít những doanh nghiệp dành ra khoản đầu tư hơn 7,8 tỉ USD hằng năm nhằm phát triển các loại thuốc chất lượng, giúp điều trị những căn bệnh dễ gây tử vong. Điều này minh chứng rõ ràng cho nỗ lực tạo ra chuẩn mực về chất lượng, an toàn trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của một tập đoàn hàng đầu thế giới.
Cơ hội cho Hospira và Pfizer
Theo ông Bradley Allen Silcox, Trưởng Văn phòng đại diện Pfizer Thái Lan tại Việt Nam, sau khi hoàn tất thương vụ M&A với Hospira, Pfizer hiện đã sẵn sàng để ứng dụng các năng lực thương mại, kinh nghiệm khoa học và năng lực sản xuất, nhằm tối đa hóa tiềm năng toàn cầu của danh mục thuốc của Pfizer Essential Health (PEH), bao gồm các sản phẩm thuốc tiêm vô trùng, thuốc tương tự sinh học. Với nền tảng phát triển ưu việt cùng lợi thế kinh nghiệm thương mại, Pfizer định hướng sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thuốc tương tự sinh học.
Việc Tập đoàn Pfizer mua lại Hospira giúp gia tăng cơ hội để người bệnh tiếp cận một trong những danh mục đa dạng nhất và chất lượng với các sản phẩm thuốc khó sản xuất, sản phẩm thuốc tiêm vô trùng dành cho các bệnh dễ gây tử vong như thuốc hóa trị ung thư, các loại thuốc điều trị nhiễm trùng và thuốc dùng trong hồi sức cấp cứu. Pfizer cam kết đem lại nhiều cơ hội tiếp cận với danh mục thuốc an toàn và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu y tế của Việt Nam.
Giá trị nhân đạo của Pfizer tại Việt Nam
Thông tin tại buổi hội thảo Tiếp cận hiện nay đối với các thách thức lâm sàng trong ung thư vú do Pfizer tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào trung tuần tháng 5 vừa qua cho thấy, hằng năm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ ung thư cao, với 125.036 ca chẩn đoán ung thư mới và trung bình 94.743 ca tử vong(1). “Điều này thúc đẩy chúng tôi không ngừng ứng dụng nhiều công cụ để giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cấp bách nhất cho các bệnh nhân tại Việt Nam, về cả phương diện nhân đạo và hỗ trợ hệ thống y tế tăng cường chất lượng điều trị”, ông Bradley Allen Silcox cho biết. “Đồng thời, chúng tôi cũng rất chú trọng đến công nghệ sản xuất bao bì và đóng gói giúp giảm rủi ro về phơi nhiễm thuốc hóa trị độc tế bào cho các đối tượng khi tiếp xúc với hóa trị”.
Theo cảnh báo của Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), việc phơi nhiễm với thuốc hóa trị có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng như vô sinh, sảy thai, thai dị dạng, bệnh bạch cầu và các loại ung thư khác(2). Thực tế tại các khoa ung bướu, tình trạng phơi nhiễm hóa trị rất dễ xảy ra qua ăn uống, hít qua mũi, tiếp xúc qua da hoặc phơi nhiễm qua kim tiêm trong quá trình chuẩn bị thuốc, quản lý thuốc, xử lý chất thải của bệnh nhân… Ngay cả trong điều kiện tuân thủ tốt các bước thực hành y khoa, nhân viên y tế vẫn có thể bị phơi nhiễm trong trường hợp trượt kim, rơi bể làm thuốc bắn vào cơ thể.
Chính vì vậy, muốn giảm thiểu các sự cố phơi nhiễm hóa trị thì cần phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát toàn diện, không chỉ trong quy trình thao tác, trang thiết bị phù hợp, mà quan trọng không kém là việc cải tiến công nghệ đóng gói các sản phẩm hóa trị liệu, để đảm bảo an toàn tối đa cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. “Nhận thức được điều này, Pfizer không ngừng nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất trong sản xuất bao bì và đóng gói các loại thuốc hóa trị. Thông qua việc mua lại Hospira, chúng tôi hiện đang sở hữu những công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo nhân viên y tế dễ dàng nhận biết chủng loại và liều lượng đúng, từ đó việc thao tác chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu các sự cố phơi nhiễm hóa trị trong trị liệu bệnh ung thư”, ông Bradley Allen Silcox cho biết.
Mặt khác, tại Việt Nam hiện nay, sau thương vụ mua lại Hospira thì danh mục thuốc ung thư của Pfizer đã được tăng cường một cách đáng kể với 12 hoạt chất thuốc đang được sử dụng trong những phác đồ điều trị các ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng. Hơn nữa, Pfizer vẫn đang tiếp tục mở rộng các danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu y tế chưa được đáp ứng, trong đó có cả những loại thuốc hiếm.
(1) globocan.iarc.fr/Pages/fact_sheets_cancer.aspx
(2) National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH) Alert, 2004