Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố kết quả khả quan từ thí nghiệm tạo ra hai thế hệ chuột mới từ tế bào da của một con chuột cái. Họ đã tiến hành tạo trứng từ các tế bào gốc lấy từ da của những chuột cái, thụ tinh trứng này bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm rồi cấy trở lại vào tử cung của con chuột mẹ. Trứng này phát triển thành những con chuột con. Tế bào da của chuột con mới lại được tiến hành một quá trình tương tự để tạo ra thế hệ chuột mới. Hai thế hệ này đều có đặc điểm gene giống với chuột mẹ và sống khỏe mạnh cho đến nay.
Trong một tương lai không xa, kỹ thuật này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với con người. Giáo sư Robert Norman, Trường Đại học Adelaide (Australia), cho rằng có khá nhiều cặp vợ chồng cảm thấy đau buồn khi phát hiện họ không có tinh trùng hoặc trứng. Cùng với việc tạo ra tinh trùng từ các tế bào da (do các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản thực hiện năm ngoái), kỹ thuật tạo trứng từ tế bào gốc sẽ là một hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt là những phụ nữ đã qua tuổi mãn kinh.
Các nhà khoa học đã sử dụng tế bào gốc từ phôi thai và da, tái cấu trúc để trở thành tế bào gốc. Từ tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể từ xương, máu đến thần kinh và hiện nay là trứng và tinh trùng. Tiến sĩ Katsuhiko Hayashi, Trường Đại học Kyoto, cho biết chuột con tạo ra từ thí nghiệm trên phát triển khỏe mạnh và tăng cân nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để hiện thực hóa thí nghiệm này trên con người thì cần phải vượt qua nhiều trở ngại về khoa học và đạo đức.
Ông Katsuhiko Hayashi nói rằng mức độ hiểu biết về sự phát triển của trứng bên trong cơ thể người mẹ vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, những tác động lâu dài đối với sức khỏe của đứa trẻ vẫn còn là điều cần nghiên cứu thêm. Hơn nữa, rất nhiều ý kiến phản đối việc tạo ra con người bằng các phương pháp trái với quy luật sinh sản của tạo hóa vì cho rằng thế hệ trẻ em trong tương lai sẽ sinh sản bằng trứng và tinh trùng nhân tạo.