Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó từ 1-7-2018, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít… Trước đó, khi được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hầu hết các chuyên gia và người dân đều phản đối gay gắt việc tăng thuế BVMT.
Trung bình tại Việt Nam, xăng chiếm khoảng 35% giá cước vận tải, nếu thuế BVMT tăng kịch khung, trong thời gian tới cước vận tải có thể đội thêm 400-2.000 đồng/km. Đây chính là nỗi lo lắng hiện nay của hơn 500 ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Nhiều tổ chức đã ước tính sắp tới mỗi người dân sẽ phải tốn thêm 130 ngàn đồng/tháng cho khoản đi lại với mức thuế mới, còn chi phí tăng thêm của doanh nghiệp thì chưa đơn vị nào tính được.
Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích: “Với phương án tăng như dự thảo và có hiệu lực từ 1-7, dự kiến CPI tháng 7 sẽ tăng thêm 0,27 – 0,29% và cả năm là 0,11 – 0,15%”. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, áp lực lên CPI sẽ không chỉ đến từ thuế BVMT mà cả sức ép từ vòng xoáy tăng cước vận tải. Thời gian qua, xăng A92 đã bị khai tử, rồi đến lượt xăng A95 cũng đang có nguy cơ biến mất để nhường chỗ cho xăng E5 độc chiếm thị trường và tiếp tục lên giá… Thực tế trên khiến lĩnh vực logistics ở Việt Nam vốn đã kém cạnh tranh nhất khu vực nay sẽ càng yếu thế hơn. Việc tăng thuế BVMT chắc chắn khiến hàng hóa Việt thua thiệt so với hàng Thái Lan hay hàng hóa các nước khác ngay trên sân nhà.
Nếu đề xuất tăng thuế môi trường được thông qua thì một lít xăng sẽ “cõng” hơn 10 ngàn đồng các loại thuế phí, chiếm hơn 50% giá xăng. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách sẽ tăng thu trên 15.000 tỉ đồng từ việc tăng thuế này. Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2017. Năm 2012 thu khoảng 11.160 tỉ đồng, năm 2013 là khoảng 11.512 tỉ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỉ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỉ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỉ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỉ đồng. Khoảng 95% thuế BVMT ở Việt Nam là đánh vào xăng dầu.
Tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, về mặt ô nhiễm thì than đá là sản phẩm ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Vì vậy nên cân nhắc điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với mặt hàng than thay vì xăng dầu. TS Phạm Sỹ Thành đặt câu hỏi: “Một mặt hàng rất ô nhiễm là than đá không được nhắc tới, hiện thuế với than đá chỉ là 10.000 đồng/tấn.
Có công bằng không khi người tiêu dùng phải trả phí môi trường nhiều hơn cho một mặt hàng không ô nhiễm bằng mặt hàng khác? Tôi cho rằng ai gây ô nhiễm hơn phải đóng thuế cao hơn. Than đá liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nhiệt điện, khai thác. Tại sao người dân lại phải đóng mức thuế cao hơn chứ không phải các doanh nghiệp kia?”. Còn theo chuyên gia Phạm Chi Lan, khi tăng thuế BVMT với xăng dầu, nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn hưởng lợi rất lớn bởi họ sẽ được hưởng một phần do thu hộ cho Nhà nước.
Ngoài ra trong hội thảo bà Phạm Chi Lan cũng nêu ra một loạt câu hỏi khiến ngành thuế không giải trình được như: hiệu quả môi trường của việc tăng thuế ra sao, ai sử dụng và sẽ đo lường thế nào…